Tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam còn thấp

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam, vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức và cần phải có cách nhìn thực tế hơn trong quá trình phát triển đô thị trước xu thế mới của thời đại. Đây cũng chính là nội dung được các chuyên gia và nhà đầu tư chi sẻ tại buổi tọa đàm “Phát triển các khu đô thị thực trạng và xu hướng mới” diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 18/7.

Dự báo của Bộ Xây dựng, trong năm 2019 tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 40%, nhưng tại số liệu điều tra dân số và hộ gia đình được công bố mới đây, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam đạt khoảng 34,4%, trong khi đó mức bình quân của thế giới là 55%.
Tính đến hết năm 2017, hệ thống đô thị cả nước có tổng số 813 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt gồm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 19 đô thị loại I, 23 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV, 640 đô thị loại V. Tổng diện tích đất thuộc ranh giới hành chính đô thị là trên 340.000 km2 (chiếm khoảng 10% diện tích đất cả nước), trong đó diện tích đất khu vực nội thị ước khoảng 145.000 km2 (chiếm khoảng 4,4% diện tích đất cả nước).
 Toàn cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: Mai Vân).
Theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, tỷ lệ đô thị hóa là một khía cạnh về số lượng của đô thị hóa, vấn đề chất lượng đô thị hóa lại có tầm quan trọng cao hơn. Theo lý thuyết địa kinh tế, các chỉ số về chất lượng thể hiện ở mật độ kinh tế của mỗi đô thị, sự kết nối của đô thị đó với các trung tâm kinh tế quan trọng và những hạn chế trong phát triển. Về những hạn chế, hiện nay người ta tính đến khả năng chống chọi của đô thị với ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
“Ở Việt Nam, con số tỷ lệ đô thị hóa là thấp là một nhược điểm, nhưng nhược điểm lớn hơn là chất lượng đô thị không cao. Cụ thể như khả năng tạo việc làm thấp, mất cân đối giữa dân số và hạ tầng, kể cả kỹ thuật, xã hội và môi trường. Các nhà đầu tư luôn hướng theo việc tạo không gian ở nhiều nhất để kiếm lợi ích từ kinh doanh, giảm nhiều nhất các không gian hạ tầng. Một số "đô thị ma" đã hình thành, không hấp dẫn người tới ở, tạo nên kho bất động sản (BĐS) tồn đọng gắn với nợ xấu” - ông Đặng Hùng Võ nói.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng bàn luận nhiều về vấn đề về môi trường và sức khỏe của cư dân đô thị trong quá trình đô thị hóa. Việc gia tăng dân số ở các đô thị, đặc biệt là đô thị lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... đã tạo ra sức ép lớn đến môi trường, như: khói bụi, rác thải, chất thải... gây ra hiệu ứng nhà kính.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Đỗ Viết Chiến, trước những sức ép về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, thì việc xây dựng các khu đô thị mới nên hướng vào mô hình đô thị sinh thái, phát triển theo triết lý xanh.
“Phát triển đô thị mới nghiêng về sinh thái chính là triết lý mà các khu đô thị mới cần phải hướng đến. Các khu đô thị phát triển về sau này vấn đề về phát triển bền vững, giá trị con người chính là vấn đề quan trọng nhất cần phải hướng tới” - ông Chiến chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần