Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc, miền núi vẫn chiếm 52,7% số hộ nghèo cả nước

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 23/10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN) (giai đoạn 2016 – 2018).

Trong đó cho biết, từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến việc ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và MN, trong đó có 15 đề án, chính sách dân tộc. Hiện nay có 54 chính sách còn hiệu lực hỗ trợ phát triển vùng DTTS, MN và hỗ trợ cho đồng bào DTTS.
Về kết quả thực hiện các chính sách, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: Từ năm 2016 đến năm 2018, Chương trình 135 đã đầu tư 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo. Tập huấn cho 103 ngàn người, dạy nghề cho 720 ngàn người DTTS, góp phần giúp con em tìm kiếm việc làm. Ngân hàng CSXH đã cho 1,4 triệu hộ DTTS vay 45.194 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng dư nợ), bình quân dư nợ 01 hộ là 30,5 triệu đồng (bình quân toàn quốc là 27 triệu đồng/hộ) để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3-4%. Có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ; 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo; 34 xã đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư theo chương trình 135.
Về triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đạt kết quả bước đầu quan trọng; công tác bảo vệ và phát triển rừng ở vùng DTTS&MN có bước chuyển biến tích cực. Đến tháng 8/2018, đã có 1.052 xã vùng DTTS, miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29 % (toàn quốc đạt tỷ lệ 38,32%). Năm 2017, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.451 ha (giảm 68% so với năm năm 2016); 9 tháng năm 2018, rừng bị thiệt hại 873 ha (giảm 22,2% so với 9 tháng năm 2017), về cơ bản rừng tự nhiên đã được quản lý tốt hơn.
Từ năm 2016 đến tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã cấp (không thu tiền) 117 nghìn tấn gạo để hỗ trợ các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống; cấp từ nguồn ngân sách trung ương 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ làm nhà cho những hộ bị thiên tai mất nhà ở, phần lớn là đồng bào DTTS.
Về cơ sở hạ tầng vùng DTTS&MN, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: Sau nhiều năm đầu tư, đến nay đã có 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; trên 98% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã vùng DTTS&MN có trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế, trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có điện thoại cố định và di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân.
Tuy nhiên, cùng kết quả đã đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng chỉ ra những hạn chế như: Thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ dân số DTTS chiếm 14,6% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,7% số hộ nghèo của cả nước…
Trong báo cáo thẩm tra về nội dung này của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch Hà Ngọc Chiến cũng nhận định: Trong ba năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và một số địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng DTTS, MN. Hội đồng Dân tộc thống nhất với nhận định của Chính phủ, hiện nay hệ thống chính sách DTTS, MN ngày càng đồng bộ, toàn diện, bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nguồn ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển vùng DTTS, MN ngày càng tăng. Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, MN đã đạt được kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện. Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào DTTS giảm mỗi năm 4% (hiện còn 28,45%). Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện hơn trước. Đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cơ sở đã được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ quản lý, điều hành ở địa phương.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đánh giá 3 năm nhưng báo cáo chưa tách bạch và nêu rõ kết quả cụ thể trong việc thực hiện chính sách trên một số lĩnh vực như: giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào; giao đất, giao rừng; sắp xếp ổn định dân cư; giải quyết nước sinh hoạt, trong giai đoạn 2016-2018. Về những khó khăn, thách thức, đây vẫn là vùng có “năm nhất” so với mặt bằng chung của cả nước, đó là: khu vực có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản kém nhất và tỷ lệ nghèo cao nhất.
Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để phân định sát thực tế hơn, làm cơ sở cho việc đầu tư hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Theo phân định hiện hành, vùng DTTS, MN gồm 5.266 xã, thuộc 458 huyện, của 51 tỉnh, thành phố (Quyết định số 582/QĐ-TTg, ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ), không bao gồm toàn bộ 9.102 xã, 583 huyện, của 51 tỉnh, thành phố; nhưng việc tính toàn bộ các đơn vị hành chính trực thuộc của 51 tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều tỉnh đồng bằng làm căn cứ để tổng hợp báo cáo, phân tích nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS,MN là chưa sát thực tế, chưa thuyết phục…