Tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt 2%

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vượt 2%.

2,3 triệu tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) theo NHNN, trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020 được duy trì dưới 2%. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19, từ tháng 8/2020 bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ trên mức 2%.

 Ảnh minh họa

Giải thích thêm về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nếu không có dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% cuối năm 2020 hoàn toàn trong tầm tay. Nhưng, dịch bệnh tác động ghê gớm đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, là nguyên nhân khách quan dẫn đến việc DN và người dân không trả nợ được ngân hàng. Đây là việc ngoài tầm kiểm soát, do đó, ảnh hưởng đến đến mục tiêu của NHNN trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu và nguy cơ gia tăng nợ xấu.

“NHNN luôn kiên định, hạn chế, kiểm soát dòng tiền đi vào lĩnh vực rủi ro. Theo dõi, nắm bắt kịp thời các diễn biến bất thường có nguy cơ rủi ro để kiến nghị, khuyến nghị, cảnh báo TCTD xử lý kịp thời nhằm ngăn ngừa, hạn chế rủi ro trong hoạt động của TCTD” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng tín dụng. Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Nguyễn Anh Tuấn, dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lên đến khoảng 2,3 triệu tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 26% tổng dư nợ hệ thống. Ngoài ra, có khoảng 45.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình mưa bão, lũ lụt ở miền Trung, tiềm ẩn rủi ro tăng nợ xấu ngân hàng. 

Để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, NHNN đã ban hành 2 văn bản quan trọng là Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Chỉ thị 02/CT-NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiết giảm chi phí hoạt động, để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt...

Giai đoạn 2020-2025 hoàn thiện thành lập, vận hành sàn giao dịch mua bán nợ xấu

Đánh giá về hoạt động mua bán nợ của Công ty mua bán nợ (VAMC) hiện nay, ông Đào Minh Tú cho rằng, mua bán nợ xấu của VAMC rất tích cực. Tuy nhiên phải đợi đến khi đủ điều kiện công nghệ và điều kiện cho phép, NHNN mới cấp phép giao dịch trên sàn.

Vừa qua, NHNN đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó có thông tin đáng chú ý là việc NHNN yêu cầu VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành sàn giao dịch nợ trước năm 2026. Cụ thể, trong giai đoạn 2019 - 2020 vừa qua, VAMC đã làm tốt vai trò trung tâm của thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, để hoạt động mua bán nợ được minh bạch cũng như để các tổ chức tín dụng mạnh dạn rao bán khoản nợ của mình thì việc thành lập sàn giao dịch nợ là cần thiết.

Ông Đỗ Giang Nam - Phó Giám đốc VAMC chia sẻ: VAMC đã đề xuất thành lập sàn giao dịch nợ từ trước. Với việc được chấp thuận lần này chúng tôi sẽ tập trung xây dựng đề án trong thời gian sớm nhất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. VAMC đóng vai trò là cơ quan thiết lập, vận hành sàn giao dịch nợ. Tôi tin rằng trong giai đoạn 2020 - 2025, VAMC sẽ hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành sàn giao dịch nợ. Sang giai đoạn 2026 - 2030, VAMC sẽ mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình theo hướng mua, bán nợ và tài sản của mọi thành phần trong nền kinh tế. Đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và khai thác tài sản, tư vấn môi giới mua bán tài sản, định giá tài sản...

Để thực hiện tốt trách nhiệm quản lý sàn mua bán nợ, từ nay đến khi sàn ra mắt, VAMC phải tham mưu xây dựng được khung khổ pháp lý cho hoạt động mua bán nợ hướng tới hình thành và phát triển một thị trường mua bán nợ tập trung tại Việt Nam.