UAE gia nhập liên minh Saudi, giá dầu Brent sắp có tuần lao dốc thê thảm nhất từ năm 2008

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù phục hồi trong phiên giao dịch ngày 13/3, giá dầu đang trên đà chứng kiến tuần lao dốc mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Giá dầu đã tăng hơn 5% trong phiên cuối tuần, nhưng được dự báo sẽ ghi nhận tuần giao dịch thảm hại nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 khi các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu suy giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nguồn cung gia tăng.
Cụ thể, giá dầu Brent nhích 1,77 USD, tương đương 5,3%, lên mức 34,99 USD/thùng sau khi giảm hơn 7% trong phiên trước đó.
Giá dầu Brent trong tuần dự kiến sẽ trượt sâu tới 23%, chứng kiến tuần  giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2008, thời điểm mặt hàng dầu này lao dốc gần 26%.
Giá dầu Brent sắp ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2008.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI cũng nhích 1,58 USD, tương đương 5%, lên 33,08 USD/thùng. Giá dầu WTI dự báo sẽ giảm 20% tính chung trong tuần, cũng là mức hạ lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Chiến lược gia Michael McCarthy của trung tâm CMC tại Sydney cho rằng đây là một tuần giao dịch tồi tệ của thị trường năng lượng do nhu cầu dầu mỏ suy yếu.
Chứng khoán toàn cầu cũng được dự báo sẽ ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2008 do nhà đầu tư đẩy mạnh bán tháo tài sản rủi ro trong bối cảnh sự lây lan của dịch Covid-19 đang gây ra tâm lý hoảng loạn trên thị trường.
Trong ngày 12/3, giá dầu Brent đã sụt tới 7%, giảm phiên thứ 2 liên tiếp, sau khi Tổng thống Mỹ cấm hoạt động đi lại từ châu Âu sang Mỹ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 giữa lúcTổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Bên cạnh đó, nguồn cung dầu giá rẻ từ Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã gia tăng áp lực lên giá dầu khi 2 thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) muốn đẩy mạnh sản xuất trong cuộc đua về sản lượng với Nga.
Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) của UAE hôm 11/3 cho biết sẽ tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày từ tháng 4, tăng từ mốc 3 triệu thùng/ngày trước đó.
Còn Công ty dầu mỏ Saudi Aramco của Ả Rập Saudi hôm 10/3 thông báo sẽ tăng sản lượng dầu thêm 2,5 triệu thùng/ngày, lên mức 12,3 triệu thùng/ngày từ ngày 1/4. Công ty này cũng sẽ giảm giá từ 4 - 8 USD/thùng cho khách hàng.
Nỗ lực phối hợp giữa UAE và Ả Rập Saudi để làm tràn ngập thị trường dầu diễn ra sau khi OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là nhóm OPEC+, không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng tại cuộc họp ở Vienna (Áo) hôm 6/3.
Ả Rập Saudi - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, từ lâu đã muốn tăng mức cắt giảm sản xuất của OPEC+ để bù đắp cho việc nhu cầu sử dụng dầu sụt giảm, đặc biệt là từ Trung Quốc khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Trong khi đó, Nga - nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, dường như không sẵn sàng quay trở lại với thỏa thuận cắt giảm sản lượng cùng với các nước OPEC.
Các nhà sản xuất dầu của Nga hôm 12/3 đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak nhưng không thảo luận về việc quay lại với thỏa thuận cắt giảm nguồn cung. Lãnh đạo tập đoàn Gazprom Neft nói rằng họ có kế hoạch tăng sản lượng vào tháng 4.
Greg Priddy - nhà phân tích dầu mỏ thuộc trung tâm Stratfor, nhận xét: “Cả Nga và Ả Rập Saudi đang gia tăng sản lượng và động thái này sẽ tác động rất lớn đến thị trường dầu mỏ thế giới”.
Goldman Sachs dự báo mức dư cung dầu mỏ sẽ cao kỷ lục là 6 triệu thùng/ngày vào tháng 4/2020. Hiện các công ty năng lượng Mỹ đang chuẩn bị cắt giảm kế hoạch đầu tư và khai thác vì giá dầu giảm mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần