Uber Việt Nam: Đã quá quen khi bị phản đối

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là phản ứng của đại diện dịch vụ đặt taxi qua điện thoại đang dần trở nên phổ biến và đe dọa trực tiếp tới doanh thu của taxi truyền thống tại Việt Nam.

Câu chuyện cho "tồn tại" hay không cho "tồn tại" dịch vụ Uber tại Việt Nam đã diễn ra dai dẳng trong suốt một thời gian dài mà vẫn chưa ngã ngũ. Chính vì vậy mặc dù có cơ hội ngồi lại trực tiếp với nhau trong một sự kiện mới được Bộ Công thương tổ chức mới đây, nhưng đại diện của taxi truyền thống cũng như các dịch vụ dạng trên như Uber, Grab đều không thể tìm thấy tiếng nói chung.

 
Các dịch vụ như Uber hay Grab đặt ra nhiều vấn đề và pháp lý cũng như an toàn cho hành khách
Các dịch vụ như Uber hay Grab đặt ra nhiều vấn đề và pháp lý cũng như an toàn cho hành khách
Không chỉ ở Việt Nam, ngay tại nhiều nước trên thế giới, Uber hay Grab đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của taxi truyền thống, bởi vậy "phe phản đối" thường đưa ra những lý do trọng yếu nhằm hạn chế những dịch vụ này và tất nhiên lý do được đặt lên hàng đầu chính là khách hàng.

Đó là điều được đại diện từ tổ chức bảo vệ quyền lợi cho các hãng taxi truyền thống, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, nêu ra: Liệu Uber hoặc Grab đã có những biện pháp gì để bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ của mình ?

Đi đôi với đó, ông Bình cũng đặt ra câu hỏi mà tới tận bây giờ, không chỉ phía các dịch vụ đặt taxi qua smartphone hay thậm chí là cả những cơ quan quản lý có liên quan cũng chưa thể trả lời được. Đó là trong quá trình đón khách qua Uber hay Grab, nếu xảy ra sự cố cho tài xế hoặc khách hàng thì các dịch vụ trên hay hãng taxi sẽ phải chịu trách nghiệm ?

Khác với ông Bình, ông Nguyễn Sơn- Giám đốc Taxi Sông Hồng lại đi thẳng vào vấn đề pháp lý của các dịch vụ trên. Ông này bức xúc, các doanh nghiệp taxi phải có nhiều loại giấy phép mới có thể tiến hành kinh doanh vận tải, trong khi đó những Uber hay Grab mặc dù không có những cơ sở pháp lý này nhưng vẫn có thể thoải mái cung cấp dịch vụ và kiếm lời, điều này là không công bằng.

Đối với những lái xe có ý định ký hợp đồng với Uber hoặc Grab, ông Sơn cũng lên tiếng cảnh bảo đó là hành vi vi phạm Luật Lao động khi đang thuộc doanh nghiệp này nhưng vẫn cố tình hoạt động chui doanh nghiệp khác. Ông Sơn cũng chỉ thẳng ra rằng, hiện các dịch vụ trên đang vi phạm cả Luật Cạnh tranh khi sử dụng lao động của các hãng taxi mà không hề xin phép.

Đáp trả những bức xúc của các doanh nghiệp taxi đang có với dịch vụ đặt chỗ qua điện thoại, ông Đặng Việt Dũng, đại diện Uber Việt Nam cho rằng hãng đã quá quen với việc bị phản đối, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời cũng khẳng định, dịch vụ của mình chỉ muốn tạo kết nối tốt hơn giữa hành khách và các hãng taxi chứ không phải chiếm thị phần của taxi truyền thống.

Tuy nhiên khi được hỏi về các vấn đề có liên quan tới pháp lý cũng như an toàn của khách hàng, ông Dũng đều không trả lời trực tiếp mà cho rằng vấn đề này cần được các bên như dịch vụ, hãng taxi cùng cơ quan quản lý hoặc có thể là cả luật sư cùng ngồi lại để tìm ra giải đáp cuối cùng.

Mặc dù không ưa gì những Uber hay Grab nhưng phía các hãng taxi đều cùng có quan điểm hợp tác với dịch vụ này. Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định rằng, doanh nghiệp taxi muốn liên kết với các dịch vụ đặt chỗ qua điện thoại nhưng các vấn đề có liên quan tới doanh thu, đặc biệt là trách nghiệm đối với khách hàng phải cần được làm rõ ràng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần