Hà Nội: Tập trung lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống người dân

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, UBND TP Hà Nội họp phiên giao ban công tác tháng 7 năm 2018. Cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND TP: Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thế Hùng, Ngô Văn Quý.

7 tháng đầu năm, 14.675 doanh nghiệp thành lập mới
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội Thành phố tháng 7 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 năm 2018.
  Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp giao ban công tác tháng 7 năm 2018
Theo đó, tháng 7/2018, sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội tương đối ổn định và đạt mức tăng trưởng khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp Tháng 7 tăng 2,3% so tháng trước và tăng 8,3% so cùng kỳ năm trước.

Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế tháng 7 đạt 48.263 tỷ đồng tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 9,6% so với cùng kỳ; cộng dồn 7 tháng đầu năm 2018 đạt 318.320 tỷ đồng tăng 9% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Tháng 7 ước đạt 1.323 triệu USD tăng 2,3% so tháng trước và tăng 29,2% so cùng kỳ. Ước tính 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 7.746 triệu USD tăng 17,3% so cùng kỳ.
Một số nhóm hàng xuất khẩu tăng khá so cùng kỳ gồm: nông sản (tăng 108,6%); xăng dầu (tăng 94,9%); máy móc thiết bị phụ tùng (tăng 14,6%).

Kim ngạch nhập khẩuTháng 7 ước đạt 2.668 triệu USD tăng 2,1% so tháng trước và tăng 6,8% so cùng kỳ. Một số mặt hàng nhập khẩu tăng cao so cùng kỳ là sắt thép (tăng 21,3%), hóa chất (tăng 46,2%), chất dẻo (tăng 25,5%), xăng dầu (tăng 29,5%). Ước tính 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu đạt 17.739 triệu USD, tăng 7,3% so cùng kỳ.

Hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn ổn định, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Tháng 7 ước đạt 2.854 nghìn tỷ đồng tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 8,2% so với tháng 12 năm 2017. 

Vận tải duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đảm bảo lưu thông hàng hóa và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Khối lượng hàng hóa vận chuyển Tháng 7 ước đạt 65 triệu tấn tăng 0,3% so tháng trước và tăng 9,3% so cùng kỳ. Vận chuyển hành khách tháng 7 ước đạt 49 triệu hành khách tăng 0,2% so tháng trước và tăng 11,1% so cùng kỳ.

Về du lịch, trong Tháng 7, khách Quốc tế đến lưu trú tại Hà Nội ước đạt 288 nghìn lượt khách, tăng 9,2% so tháng trước và tăng 1,1% so cùng kỳ; khách nội địa đến Hà Nội đạt 997 nghìn lượt khách, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 20,7% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 5.245 tỷ đồng tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 3,2% so cùng kỳ.

Tính chung 7 tháng đầu năm, khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội ước đạt 2,44triệu lượt, tăng 20,5% so cùng kỳ. Khách quốc tế lưu trú tại Hà Nội đến từ một số nước tăng cao so cùng kỳ như: Anh tăng gấp 7,3 lần; Trung Quốc tăng 33,7%; Hàn Quốc tăng 21,7%; Malaysia tăng 31,8%; Singapore tăng 21,8%; Đài loan tăng 52,9%... Khách nội địa đến Hà Nội 7 tháng đầu năm đạt 6.628 nghìn lượt khách tăng 15,5% so cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành 7 tháng ước đạt 37.757 tỷ đồng tăng 8,8% so cùng kỳ.

Tháng 7/2018, thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được UBND Thành phố quan tâm chỉ đạo toàn diện. Thành phố đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án mới, đồng thời tích cực đôn đốc các cơ quan chuyên môn hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Các chỉ số tổng hợp về năng lực cạnh tranh và cải cách hành chính năm 2017 tiếp tục tăng hạng và giữ vị trí cao so với các tỉnh, thành phố:Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng vị trí 13/63 (tăng 01 bậc); Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) đứng vị trí 2/63 (tăng 1 bậc).

Khuyến khích thành lập doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân được quan tâm chỉ đạo toàn diện; triển khai Nghị quyết của HĐND Thành phố về phát triển doanh nghiệp và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành công ty; duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, đồng thời đảm bảo thời gian xử lý các thủ tục hành chính liên quan trong vòng 3 ngày (trừ giải thể doanh nghiệp). Ước tính trong 7 tháng đầu năm 2018, có 14.675 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký 16.165 tỷ đồng, giảm 1% về số lượng nhưng tăng 42% về vốn so với cùng kỳ; ước tính trên địa bàn có tổng số 245.000 doanh nghiệp.

Thu hút đầu tư nước ngoài trong Tháng 7 đạt 80 triệu USD, trong đó: cấp mới 55 dự án, vốn đầu tư 21,1 triệu USD; tăng vốn 15 dự án, giá trị tăng 9,8 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần tại 29 doanh nghiệp, giá trị đạt 49 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu năm, toàn thành phố thu hút 5.992 triệu USD, tăng 4,38 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Thu NSNN 7 tháng đầu năm ước đạt 138,3 nghìn tỷ đồng, đạt 58% dự toán, trong đó: thu từ dầu thô 1,9 nghìn tỷ đồng; thu nội địa 126,9 nghìn tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 9,5 nghìn tỷ đồng.

Tổng chi ngân sách địa phương 7 tháng đầu năm ước thực hiện 36,3 nghìn tỷ đồng, đạt 38,2% dự toán, trong đó: chi đầu tư phát triển 15,9 nghìn tỷ đồng, đạt 37,8% dự toán; chi thường xuyên 20,4 nghìn tỷ đồng. Thành phố đã lập tổ công tác rà soát, đôn đốc triển khai các thủ tục đầu tư, thi công và giải ngân vốn XDCB, phấn đấu tăng mạnh tỷ lệ giải ngân các tháng cuối năm.

Tập trung lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ

Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, Thành phố tiếp tục tập trung lãnh dạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 8 năm 2018. 

 Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội Thành phố tháng 7 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 năm 2018.

Cụ thể, tập trung tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư, chú trọng các dự án lớn để hoàn thành thủ tục cấp phép và triển khai dự án. Tăng cường giám sát công tác đầu tư sau cấp phép; giải quyết các vướng mắc phát sinhvà đôn đốc nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ. Xử lý kiên quyết đối với các chủ đầu tư cố tình kéo dài thời gian thực hiện hoặc không triển khai dự án.

Đối với các dự án đầu tư công: Xác định nguyên nhân chậm giải ngân cụ thể đến từng chủ đầu tư, từng dự án và trách nhiệm của từng cơ quan liên quan. Trên cơ sở đó, đôn đốc quyết liệt, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc không hoàn thành nhiệm vụ dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư XDCB.

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững; đôn đốc quyết liệt thu nợ thuế, tiền thuê đất; tăng cường các giải pháp chống thất thu thuế xuất, nhập khẩu, đảm bảo hoàn thành dự toán. Chỉ đạo chi ngân sách đúng luật, kịp thời, hiệu quả.

Đảm bảo cấp điện, cấp nước đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.

Tập trung lực lượng để khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống người dân vùng trực tiếp bị ảnh hưởng và sớm khôi phục lại hoạt động sản xuất.Các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường chỉ đạo phòng chống thiên tai, nhất là tình hình mưa lũ và nắng nóng. Tổ chức quản lý và vận hành hiệu quả hệ thống thủy lợi,đảm bảo sẵn sàng ứng phó với mưa lũ và tình hình biến đổi khí hậu.

Phát triển chuỗi liên kết trong nông sản, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung an toàn... Quản lý, kiểm soát tốt dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; giám sát tốt vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tăng cường lực lượng hướng dẫn phân luồng giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt tại các tuyến phố đang có công trình thi công, các tuyến xuyên tâm, tuyến tập trung nhiều khu đô thị, cơ quan, trường học... Chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý nghiêm, đúng pháp luật xe dù, bến cóc, xe vận chuyển khách tuyến cố định chạy sai luồng tuyến, dừng đỗ, đón trả khách sai quy định...

Tăng cườnghiệu quả công tác quản lý vận hành chung cư tái định cư, trú trọng giải quyết những bất cập liên quan đến sửa chữa trang thiết bị sử dụng chung, thang máy, PCCC, chống thấm, dột, tranh chấp quỹ bảo trì…

Đôn đốc quyết liệt tiến độ các dự án cấp nước sạch, bao gồm các dự án cấp nguồn và các dự án xã hội hóa cấp nước sạch khu vực nông thôn, phấn đấu hoàn thành mạng đấu nối cấp nước tới 100% các hộ dân tại các địa bàn đã đủ điều kiện cấp nước.

Tiếp tục thực hiện Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh; thực hiện hạ ngầm và quản lý tốt các hệ thống cáp điện và viễn thông, các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị dùng chung.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Tại phiên họp, Phó chánh văn phòng UBND Thành phố Hà Nội Phạm Chí Công báo cáo tóm tắt công tác chỉ đạo điều hành và Báo cáo kiểm điểm việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố giao đến hết tháng 7 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2018.

UBND TP đã tiếp nhận và chỉ đạo xử lý công việc tại 5.591 văn bản hành chính, trong đó: 874 văn bản của các cơ quan Trung ương, 4.717 văn bản của các sở, ban, ngành, quận, huyện; 322 hồ sơ một thủ tục hành chính có thời hạn trả kết quả, đã hoàn thành 288/322 hồ sơ (đạt 90%), đang tiếp tục xử lý 34 hồ sơ trong hạn (08%)…

 Toàn cảnh phiên họp giao ban

TP đã ban hành kế hoạch đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước TP Hà Nội năm 2018 đối với các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: Đăng ký kinh doanh; khám chữa bệnh; cấp phép xây dựng: Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng; Kế hoạch tổ chức tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND và Công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội; Kế hoạch triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của TP Hà Nội.

Chủ động đối phó với cơn bão số 2 (Sơn Tinh), Chủ tịch UBND TP đã ban hành Công điện về chủ động phòng, chống, ứng phó khắc phục hậu quả bão số 3 và Công điện về khắc phục nhân hậu quả bão số 3 và chủ động, phòng, chống diễn biến mưa lũ trong thời gian tới.

Trong tháng 7/2018, TP đã tổ chủ trì tổ chức và tham dự nhiều sự kiện, hội nghị, cuộc họp quan trọng đặc biệt như: Tham dự dự Kỳ họp HĐND Thành phố khóa XV; Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVI); Tham dự Hội nghị giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã Quý II/2018; chủ trì chuẩn bị các nội dung và tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (01/8/2008-01/8/2018)…

Tập thể Ban Cán sự đảng UBND Thành phố đã chủ trì 6 cuộc họp để bàn bạc, thảo luận, thống nhất cho ý kiến chỉ đạo đối với 49 nội dung công việc theo thẩm quyền, trong đó đã thống nhất chỉ đạo giải quyết 38 nội dung như:

Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị công viên công nghệ phần mềm Hà Nội tại quận Long Biên; Chủ trương đầu tư dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất 1,65ha thuộc xã Cổ Nhuế-Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm phục vụ tái định cư cho các hộ dân di dời của dự án Bảo tàng lịch sử quốc gia và Công viên Hữu Nghị; Chuyển đổi đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 21A đoạn Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai từ hình thức họp đồng BOT sang hình thức Họp đồng BT;

Xem xét quy hoạch chi tiết xây dựng - Tỷ lệ 1/500 Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II và việc di chuyển doanh trại đóng quân cho Trung đoàn 165/Sư đoàn 312/Quân đoàn 1 tại huyện Sóc Sơn để thực hiện dự án khu xử lý chất thải Sóc Sơn;

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định ban hành Quy trình quản lý, vận hành và khai thác điểm trong giữ xe áp dụng hệ thống Iparking trên địa bàn TP ; Giao chủ đầu tư thực hiện dự án cải tạo, mở rộng nghĩa trang phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm…

Hỗ trợ kinh phí cho 52 hộ gia đình chinh sách, người có công với cách mạng thuê mua nhà ở xã hội tại dự án nhà ở xã hội CT21 Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên; Xem xét việc rà soát giá nước sạch của các nhà đầu tư trên địa bàn TP. chấp thuận thí điểm mô hình trục vớt, cứu hộ, cứu nạn trên sông Hồng đoạn qua huyện Mê Linh theo hình thức nhà đầu tư tự đầu tư.

Ban Cán sự Đảng UBND TP đã chuẩn bị 68 nội dung, chương trình, đề án, dự án trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và báo cáo 13 nội dung công việc tại các hội nghị Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, trong đó nổi bật: Đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tỷ lệ 1/10.000 tại khu đất bãi ngoài đê sông Đuống thuộc các phường Phúc Lợi, Giang Biên quận Long Biên và các xã Dương Hà, Phù Đổng huyện Gia Lâm; Dự án hỗ trợ kỹ thuật khảo sát thu thập dữ liệu cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long đến Nội Bài do JICA tài trợ không hoàn lại và triển khai lặp báo cáo nghiên cửu tiền khả thi dự án…

Báo cáo tình hình, kết quả tăng cường các biện pháp đảm bảo công tác phòng cháy và chữa cháy, ứng phó, khắc phục xử lý sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn Thành phố;

Trong 7 tháng đầu năm 2018 Tập thể UBND Thành phố đã tổ chức 7 phiên họp cho ý kiến và thông qua 41/84 nội dung đạt 48% kế hoạch đã đề ra. Để tiếp tục triển khai chương trình công tác các tháng cuối năm 2018.

Trong tháng 8, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành TP, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt, hiệu quả 188 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh các giải pháp thu ngân sách bền vững, trong đó tập trung rà soát toàn bộ các chỉ tiêu, kế hoạch để đôn đốc thu ngân sách, đặc biệt là các khoản thu từ các dự án đấu giá sử dụng đất, thu thuế ngoài quốc doanh, thu thuế từ các dịch vụ ăn uống, mua bán nhà đất, sang tên trước bạ đối với các phương tiện…

Tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử… Chỉ đạo Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tăng cường nắm bắt tình hình thực tế, dành thời gian thỏa đáng trực tiếp đối thoại, giải trình, trả lời kiến nghị của người dân, tập trung giải quyết cơ bản, dứt điểm các vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận xã hội.

Chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, công cụ, vật tư dự trữ và phương tiện phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa mưa bão; thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo và xây dựng phương án ứng trực để kịp thời ứng phó, xử lý các sự cố; Có các phương án dự phòng để đảm bảo về điện, nước, thực phẩm nước uống cho các khu vực bị ảnh hưởng do mưa bão gây ra.

Nước sông Bùi, Chương Mỹ rút chậm, còn 7,42m

Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết: Từ ngày 17/7-21/7 trên địa bàn TP có lượng mưa sấp xỉ 300mm/h, mưa trong điều kiện bất lợi do lúa vừa cấy xong, do lượng mưa lớn nên ở Lương Sơn, Kim Bôi nên nước sông Bùi, sông Tích lên nhanh, tràn toàn bộ hệ thống đê Bùi, một phần đê Tả Tích, đê bao sông Tích cũng bị tràn. Trước tình hình đó Ủy ban PCTT TP đã phối hợp chặt chẽ với huyện để tập trung xử lý không để thiệt hại lớn, di dời dân, cơ sở sản xuất, chăn nuôi...

 Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ báo cáo tại phiên họp giao ban UBND TP Hà Nội tháng 7/2018

Tuy nhiên, vào cuối tháng 7 tiếp tục có đợt mưa lớn, mực nước sông Bùi, sông Tích tiếp tục dâng cao, mực nước cao hơn năm 2008, cao nhất hôm qua tại sông Bùi là 7,52m, cao hơn báo động số 3 là 1 m; mực nước tràn qua đê Tả Bùi, Tả Tích.

Trong đêm qua, các lực lượng đã tập trung chống tràn, trên địa bàn Chương Mỹ có 500 cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an tham gia chống tràn.

“Đến thời điểm này, mực nước đã ổn định, đến sáng nay mực nước là 7,42m, xuống được 10 cm nước, tuy nhiên nước xuống rất chậm” – ông Chu Phú Mỹ thông tin.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp để khảo sát toàn bộ đê Hữu Bùi, Hữu Tích, đê bao, các xã của Quốc Oai, Thạch Thất nếu nước tiếp tục lên cao cần thiết có thể báo cáo UBND Thành phố phương án xả nguồn nước để giữ được đê Tả Tích, Tả Bùi. Phối hợp bảo đảm cứu trợ cho đời sống người dân.

Trong tháng 8 là tháng trọng tâm mùa mưa bão, Ban Chỉ huy tiếp tục trọng tâm ứng phó mưa lớn hoặc có bão xảy ra. Đối với hệ thống sông Hồng, sông Đà qua đợt xả lũ vừa qua mực nước lên 8,54 m, thấp hơn báo động số 1 là 0,3 m; mức nước này chưa ảnh hưởng sản xuất và người dân các xã ven sông, tuy nhiên mực nước sông Bùi, sông Tích nước lên nhanh do lũ rừng.

Sau khi nước rút, Giám đốc sở NN&PTNT cho biết sẽ cho xử lý sự cố tràn đê bởi khi lũ tràn qua mái đê sạt lở bảo đảm an toàn cho đê; xử lý công trình khẩn cấp trên tuyến đê sông Hồng; tập trung đánh giá thiệt hại và khắc phục hậu quả; hướng dẫn các huyện đánh giá thiệt hại do các đợt mưa gây ra; tập trung khắc phục sản xuất, hướng dẫn khắc phục lúa cấy bị mất do ngập, giải pháp chăm sóc cây; xử lý môi trường các khu vực bị ngập.

Với các xã bị ngập, Ban chỉ huy, Sở NN&PTNT, các huyện đã thực hiện công tác cứu trợ, tập hợp nhu càu thiết yếu để cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, bảo đảm đời sống người dân.

Về công tác phòng chống dịch bệnh trong khu vực bị ngập lụt, Giám đốc sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở Y tế đã cử đoàn công tác cùng với Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ, Trung tâm Y tế dự phòng, bệnh viện Da liễu, bệnh viện Mắt Hà Đông để tổ chức kiểm tra sẵn sàng ứng phó, phòng ngừa dịch bệnh trong mùa lũ. Đã tổ chức tuyên truyền, đồng thời, tăng cường hóa chất cho khu vực lũ. Chỉ đạo 2 bệnh viện Mắt và Da liễu Hà Đông phối hợp khám chữa bệnh cho người dân vùng lũ.

“Quan điểm của Sở là nước rút đến đâu thì triển khai phòng chống dịch và vệ sinh môi trường đến đó” – ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết.

Tại phiên họp, Giám đốc Sở LĐTB&XH Khuất Văn Thành cho biết, qua báo cáo của huyện còn 2.408 hộ bị ngập, hơn 1.900 ha hoa màu, hơn 555 ha thủy sản... Về công tác cứu trợ, các đơn vị cấp hơn 6.300 nghìn thùng mỳ ăn liền, hơn 4.900 thùng nước, cung cấp nến, 20 tấn gạo... các tổ chức, các nhân cũng tích cực hỗ trợ nhu yếu phẩm, nước, lương khô... tại vùng ngập lụt. Về phía huyện cũng rất tích cực để người dân vùng ngập ảnh hưởng đời sống. Ông Khuất Văn Thành đề nghị cần cung cấp thêm nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân như nước uống, gạo, nến... cho người dân vùng ngập lụt.