UBS Research: Việt Nam - một trong điểm sáng kinh tế hiếm hoi tại châu Á

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia kinh tế của UBS Research nhận định nền kinh tế Việt Nam là một trong những sáng nhất tại châu Á giữa cuộc khủng hoảng dịch Covid-19.

Trong bài viết đăng trên tờ CNBC của Mỹ hôm 6/7, ông Edward Teather - chuyên gia kinh tế về ASEAN tại UBS Research, nói rằng mặc dù Việt Nam đang nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covid-19, quốc gia Đông Nam Á này đã sẵn sàng hồi phục trong thời gian tới.
 Theo nhận định của chuyên gia UBS Research, Việt Nam đang là một trong điểm sáng kinh tế hiếm hoi tại châu Á.
“Mặc dù Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ đợt bùng phát của dịch Covid-19, song nước này đang là một trong những điểm sáng nhất tại châu Á” - chuyên gia kinh tế Edward Teather cho hay.
Ông Teather lưu ý thêm: “Doanh số bán lẻ, nhập khẩu và mảng sản xuất công nghiệp đều tăng trưởng trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước. Đây là điều tốt hơn nhiều so với phần lớn các nền kinh tế khác trong khu vực".
Trong khi nhiều nền kinh tế suy giảm vào quý II so với cùng kỳ năm ngoái, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam lại tăng nhẹ 0,36%, trở thành một trong những điểm sáng hiếm hoi trên thế giới.
Việt Nam đã thành công khống chế dịch Covid-19 dù có chung đường biên giới với Trung Quốc, nơi đại dịch khởi phát đầu tiên hồi tháng 12 năm ngoái.
Theo số liệu của trường đại học Johns Hopkins, Việt Nam hiện có 369 ca nhiễm Covid-19 và không có ca tử vong nào.
“Kinh tế Việt Nam đang phát triển và có nhiều cơ hội thuận lợi để chiếm thị phần xuất khẩu thế giới. Vì vậy, đánh giá Việt Nam có triển vọng phát triển kinh tế sáng nhất trong khu vực là hợp lý” - chuyên gia Teather nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, Việt Nam cũng đang được nhiều nước xem xét lựa chọn khi dịch chuyển các nhà máy khỏi Trung Quốc do căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia Teather, Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) vừa được Quốc hội phê chuẩn vào tháng trước cũng sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Mặc dù FDI hiện đang gặp nhiều cản trở do các nhà đầu tư nước ngoài không thể tự do di chuyển vì biện pháp hạn chế ở các nước, song chuyên gia Teather nói rằng các cuộc đàm phán vẫn đang được tiến hành. Chuyên gia Teather dự đoán FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trở lại vào nửa cuối năm 2021 khi các nước dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội.
Chuyên gia của UBS Research nói thêm rằng sự hỗ trợ của chính phủ cũng có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. "Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cuối tuần trước đã kêu gọi thực hiện thêm những biện pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó Ngân hàng nhà nước Việt Nam tuyên bố họ muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên 10%. Tình hình có vẻ như chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy thêm đà tăng trưởng thuận lợi vốn có hiện nay của nền kinh tế" - ông Teather đánh giá.