Ùn tắc, tai nạn giao thông: Nỗi lo vẫn thường trực

Bài, ảnh: Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự, ATGT 6 tháng đầu năm 2018 trên cả nước. Dự họp tại điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng.

Diễn biến xấu tại nhiều địa phương

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra 8.999 vụ TNGT, làm chết 4.103 người, bị thương 7.027 người. So với 6 tháng đầu năm 2017, số vụ TNGT giảm 594 vụ (giảm 6,19%), số người chết giảm 31 người (giảm 0,75%), số người bị thương giảm 908 người (giảm 11,44%). Trong đó, riêng đường bộ xảy ra 8.889 vụ, làm chết 4.027 người, bị thương 6.997 người. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 568 vụ (6,01%), giảm 4 người chết (0,10%), giảm 893 người bị thương (11,32%).
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng phát biểu tại điểm cầu Hà Nội.
Tình hình trật tự, ATGT trên địa bàn Hà Nội 6 tháng đầu năm 2018 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, 6 tháng qua, trên toàn địa bàn TP đã xảy ra 643 vụ TNGT, làm 248 người chết, 443 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 45 vụ (6,5%); giảm 22 người chết (8,1%); giảm 123 người bị thương (21,7%). Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đánh giá: “6 tháng qua, Hà Nội là một trong những địa phương làm tốt nhất công tác kiềm chế TNGT”.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự thảo Nghị định mới về quản lý kinh doanh vận tải; tham gia góp ý sửa đổi các quy định về xử phạt vi phạm giao thông; các địa phương tăng cường giáo dục ý thức tham gia giao thông cho người dân nhằm kéo giảm ùn tắc và TNGT.

Tuy nhiên, dù TNGT nói chung giảm nhưng tại một số địa phương lại tăng. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho hay, còn 26 địa phương có số người chết vì TNGT tăng so với cùng kỳ 2017, trong đó 10 tỉnh tăng trên 20%, đặc biệt, có 4 tỉnh có số người chết tăng trên 100% là Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh.

Tương tự, tại Hà Nội cũng có một số quận, huyện TNGT tăng trên cả 3 tiêu chí như Hoàng Mai, Hai Bà trưng, Đống Đa, Thường Tín, Mê Linh. Các quận huyện có số người chết do TNGT trên 10 người gồm: Thường Tín 30 người, Sóc Sơn 18 người, Long Biên 14 người, Gia Lâm 11 người.

Quan trọng vẫn là ý thức

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, tình hình ùn tắc, TNGT có chiều hướng diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân. “Trong đó có nguyên nhân thể chế. Các quy định về xử phạt vi phạm giao thông đã không còn phù hợp trong bối cảnh gia tăng số lượng phương tiện nhanh như hiện nay” - ông Thể nhìn nhận. Ngoài ra, hạ tầng giao thông “hụt hơi” trước sự phát triển của phương tiện và gia tăng số lượng người tham gia giao thông cũng khiến tình trạng ùn tắc, TNGT không những chưa được giải quyết mà còn có diễn biến xấu tại một số địa phương.

Ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, thời gian qua nhiều vụ TNGT nghiêm trọng đã xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường ngang dân sinh với đường sắt. “Đây là vấn đề rất nhức nhối, cần có sự vào cuộc quyết liệt và các giải pháp hiệu quả, đồng bộ từ các địa phương, đơn vị liên quan”.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến cho tình hình ùn tắc, TNGT còn diễn biến phức tạp. Ý thức khi tham gia giao thông của nhiều người chưa cao, phương tiện đi lấn làn, phóng nhanh, vượt ẩu... dẫn đến xảy ra TNGT vẫn diễn ra phổ biến. Bên cạnh đó, tình trạng xe dù, bến cóc có xu hướng gia tăng, cạnh tranh bất bình đẳng với xe khách cố định; ùn tắc tại các đô thị lớn đang có xu hướng gia tăng trở lại. “Vẫn còn tình trạng tiêu cực trong lực lượng thi hành công vụ như phản ánh của người dân và báo chí thời gian qua” – Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần