Ứng cử vào Hội đồng Bảo an: Việt Nam cần một hệ thống linh hoạt

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tận dụng cơ hội khi một quốc gia có được khi nắm vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) hay đóng vai trò trong việc khơi dậy những chủ đề mới…

Đây là một trong những kinh nghiệm giúp các Ủy viên Không thường trực (UVKTT) để lại dấu ấn trong cả nhiệm kỳ tại Hội đồng Bảo an LHQ được các nước từng giữ vai trò này chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Việt Nam và Hội đồng Bảo an LHQ: Ứng cử và tham gia nhiệm kỳ 2020 - 2021” ngày 30/3 do Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam tổ chức.

Các đại biểu chụp hình tại Hội thảo quốc tế “Việt Nam và Hội đồng Bảo an LHQ: Ứng cử và tham gia nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Nhiều đại biểu đã chia sẻ về kinh nghiệm làm thế nào để một UVKTT có thể để lại dấu ấn trong suốt nhiệm kỳ tại Hội đồng Bảo an LHQ. Theo Chuyên gia về Hội đồng Bảo an từ Bộ Ngoại giao Australia, Michael Bliss, một UVKTT cần tận dụng mọi cơ hội khi nắm giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an. Bên cạnh đó, các UVKTT cũng cần giữ vai trò tham gia trong mọi vấn đề nóng được Hội đồng Bảo an LHQ quan tâm. Đồng thời, đóng vai trò trong việc khơi dậy những chủ đề mới. Đây được xem là thách thức, song cũng là cơ hội giúp các UVKTT có thể để lại dấu ấn trong cả nhiệm kỳ.

Về phần mình, đại diện phía Việt Nam cho rằng, các UVKTT cần có một kinh nghiệm ngoại giao tốt, để có thể thuyết phục và qua đó nhận được sự nhất trí, đồng thuận từ các thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ trong mọi chủ đề. Phó Vụ trưởng, Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Hoàng Thị Thanh Nga nhận định, các nước UVKTT không nên lựa chọn những chủ để mang tính gai góc, mà cần lựa chọn những chủ đề bảo đảm lợi ích quốc gia, phát huy vai trò trong các vấn đề hòa bình và an ninh thế giới, đại diện cho khu vực. Điều này giúp các thành viên tham gia lần đầu hay quay trở lại sau nhiều năm có thể ghi dấu ấn trong suốt nhiệm kỳ.

Bên cạnh việc chia sẻ các kinh nghiệm, nhiều đại biểu cũng đề cập tới những thách thức một UVKTT phải đối mặt. Theo đó, các nước ủy viên không thường trực có ít tiềm lực và kinh nghiệm hơn 5 ủy viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Đồng thời, các nước lớn có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, do đó, UVKTT cần chuẩn bị kĩ càng, hoạt động tích cực trong mọi vấn đề.

Việt Nam đã ứng cử Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021. Việc tiếp tục ứng cử lần thứ hai vào cơ quan quan trọng này sau nhiệm kỳ thành công năm 2008 - 2009 thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình vì độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý bày tỏ hy vọng, Việt Nam với tiềm năng và kinh nghiệm đã có, có thể được lựa chọn và đảm đương tốt vai trò Ủy viên không thường trực.

Đại sứ Thụy Điển Olof Skoog, Trưởng phái đoàn Thụy Điển tại Hội đồng Bảo an nhận định cộng đồng quốc tế có kỳ vọng cao với Việt Nam. Tuy nhiên, đối với công tác chuẩn bị cho vai trò UVKTT tại Hội đồng Bảo an LHQ, Đại sứ Skoog cho biết, điều quan trọng là Việt Nam cần hiểu rõ các vấn đề trong chương trình nghị sự và tổ chức một hệ thống linh hoạt sẵn sàng giải quyết những sự kiện bất ngờ xảy ra trên toàn thế giới. Việt Nam không nên đánh giá thấp những gì một UVKTT có thể làm. Đặc biệt, đối với quá trình ứng cử, Việt Nam cần tập trung vào vấn đề thực chất, khi có sự nhất quán trong việc nói và hành động. Việt Nam cần chuẩn bị một nguồn lực hỗ trợ và có sự nhất quán trong hệ thống phân nhiệm trong phái đoàn tại Hội đồng Bảo an.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần