Ứng dụng công nghệ - Bước đột phá mới cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam

Khắc Kiên - Bảo Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/8, tại Hà Nội, Cục Xuất nhập khẩu, Báo Công thương phối hợp với diễn đàn Kinh tế tư nhân tổ chức Hội thảo với chủ đề “Cách mạng Công nghiệp 4.0 - những xu hướng và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo, ngoài đại diện các Cục, vụ, viện của Bộ Công Thương còn có đại diện các Bộ, ban, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan; các Hiệp hội ngành hàng/ngành nghề; các Nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, đặc biệt là đại diện của hơn 100 DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu hàng đầu hiện nay.
Toàn cảnh hội thảo ''Cách mạng 4.0 - những xu hướng và tác động đến xuất khẩu của Việt Nam''.
Xuất khẩu là một hoạt động quan trọng của nền kinh tế, có những đóng góp lớn đối với phát triển kinh tế nói chung và sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã có những tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm vừa qua, đạt tốc độ tăng bình quân là 17,5%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2016, xuất khẩu của cả nước đạt 176,6 tỷ USD và theo thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam xếp thứ 26 trong các nền kinh tế có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Năm 2017, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ vượt mốc 200 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu đã có đóng góp quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động, cân bằng cán cân thương mại, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.

Với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn như Việt Nam, phát triển xuất khẩu bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay. Phát triển xuất khẩu bền vững đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp căn cơ về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong đó chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu, đồng thời chú trọng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Trong bối cảnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, người máy, internet của vạn vật, công nghệ nano, công nghệ sinh học phân tử, công nghệ di truyền,... mở ra khả năng đạt được yêu cầu này. Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số”. Qua đó, chuỗi cung ứng sản xuất đạt hiệu quả cao nhất về thời gian xử lý, thời gian lưu kho, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, vật liệu. Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp cũng sẽ có những đột phá với những giống cây trồng mới có những tính năng thích ứng với tình trạng hạn hán, nước nhiễm mặn hoặc chống sâu bệnh và có năng suất, chất lượng cao được nghiên cứu nhờ công nghệ sinh học phân tử.

Bên cạnh đó, với việc nhiều loại vật liệu mới, sản phẩm mới được hình thành, nhưng giao dịch xuất khẩu thực hiện hoàn toàn qua môi trường mạng thì cơ chế, chính sách quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu cũng cần điều chỉnh theo kịp với tình hình mới, đảm bảo mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu cũng như đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn môi trường, an toàn lao động và các mục tiêu công cộng chính đáng khác phù hợp với những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, hiện các Bộ, ngành đang triển khai các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất đảm bảo Việt Nam “không bỏ lỡ con tàu” từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Về phía Bộ Công Thương - với chức năng quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu, luôn mong muốn được nghe những chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp về ứng dụng, triển khai thực tế Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu và phương thức để doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp, tận dụng được những lợi thế từ cuộc cách mạng này, ông Hải cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần