Ứng dụng công nghệ cao: Bước đột phá của nông nghiệp

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trong đó phải kể đến bước đột phá ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp.

 Sản xuất nấm kim châm công nghệ cao tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức).

Tăng giá trị kinh tế
Trang trại Hoa Viên, ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất hoạt động theo mô hình khép kín từ khâu sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Trung bình mỗi tháng, trang trại xuất khoảng 1.000 con lợn thịt và 500 - 1.000 con lợn giống; doanh thu bình quân đạt 100 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, trang trại Hoa Viên còn sở hữu một vùng trồng rau hữu cơ quy mô lớn đầu tiên tại Hà Nội, cung cấp cho thị trường Thủ đô hàng chục tấn rau hữu cơ mỗi ngày. Đây là mô hình trang trại đang phát huy hiệu quả vượt trội, cung ứng sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Bên cạnh 133 mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC, toàn TP đã xây dựng được 135 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình nông nghiệp CNC và liên kết trong sản xuất đã góp phần quan trọng nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 46,5 triệu đồng/người/năm, tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010. 

Một trong những mô hình được đánh giá cao khác là trồng dưa lưới trong nhà kính của hộ anh Bùi Văn Chung ở xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa. Được hình thành đầu năm 2019, với quy mô 6.200m2, mô hình sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, quy trình từ ươm giống, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch đều được quản lý, giám sát chặt chẽ bằng điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, hệ thống nhà kính giúp ổn định nhiệt độ và ánh sáng, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho cây sinh trưởng và phát triển.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, toàn TP đã xây dựng được 133 mô hình nông nghiệp CNC. Tỷ trọng ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp của toàn TP đã đạt trên 30%; giá trị kinh tế gia tăng từ 25 - 30%. Các mô hình nông nghiệp CNC của Hà Nội tuy quy mô còn nhỏ nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay.
Hướng tới xuất khẩu
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định, dù giá thành cao hơn các sản phẩm sản xuất đại trà từ 20 - 30% nhưng nông sản ứng dụng CNC vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, làm ra tới đâu tiêu thụ hết tới đó. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển thêm nhiều mô hình mới và hướng tới xuất khẩu nông sản CNC, tập trung vào chăn nuôi và cây ăn quả. Bởi hiện tại, 100% mô hình ứng dụng CNC trong trồng trọt, chăn nuôi đều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu song số lượng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ.
Để không nằm ngoài xu thế nông nghiệp hiện đại, Hà Nội tập trung phát huy lợi thế vùng miền về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển các loại cây, con đặc sản. Đồng thời, TP chú trọng hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, DN quy mô nhỏ, hộ nông dân có điều kiện ứng dụng CNC. “Trước hết, với phương châm “nhiều vùng nhỏ cộng lại thành vùng lớn”, chúng tôi vận động bà con trong một hợp tác xã cùng sản xuất một sản phẩm thế mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Cùng với đó, khuyến khích DN liên kết với nông dân để tư vấn về quy trình, kỹ thuật cùng với ngành nông nghiệp tạo những chuỗi sản phẩm có giá trị cao” – ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.
Về chiến lược dài hơi để thu hút DN đầu tư, Hà Nội đã quy hoạch 9 khu nông nghiệp ứng dụng CNC và hệ thống các khu kinh tế hỗ trợ có quy mô từ 200 - 900ha/khu. Cùng với đó, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, Hiệp hội DN Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tối đa về cơ chế, chính sách, phương thức, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần