Ứng dụng công nghệ cao: Hướng phát triển cây ăn quả bền vững

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để phát triển cây ăn quả bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập, giai đoạn 2020 – 2025, Hà Nội tiếp tục đầu tư ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu và hình thành chuỗi liên kết với các nhà phân phối, nhập khẩu.

 Đoàn cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá năng suất, chất lượng mô hình bưởi tại xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ
Nâng giá trị cây ăn quả
Hộ ông Nguyễn Văn Bảy, chủ vườn nhãn chín muộn tại xã Song Phương (huyện Hoài Đức) được cấp mã vùng xuất khẩu sang Mỹ chia sẻ, những năm gần đây, được ngành nông nghiệp hỗ trợ cải tạo, thâm canh, đưa công nghệ vào sản xuất, nhờ đó, chất lượng nhãn chín muộn của gia đình ông đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, cho thu nhập từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.

Tại huyện Ba Vì, chuối tiêu hồng đang trở thành sản phẩm mũi nhọn của huyện. Hiện, trên địa bàn huyện có gần 600ha chuối tiêu hồng canh tác theo quy trình VietGAP. Cùng với việc được TP hỗ trợ liên kết với các DN của Nhật Bản, Thái Lan đầu tư phát triển vùng sản xuất gắn với chế biến, Ba Vì quy hoạch vùng sản xuất tập trung, phân tích mẫu đất, nước, không khí bảo đảm các tiêu chí, đáp ứng yêu cầu về chất lượng xuất khẩu.

Nhằm nâng cao giá trị cây ăn quả, những năm qua, Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương xây dựng chuỗi liên kết với các DN; hỗ trợ các hộ dân trồng mới, ghép, cải tạo hơn 10.000ha cây ăn quả, trong đó có hơn 1.000ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể về cây ăn quả. Nhờ vậy, giá trị cây ăn quả ngày càng được nâng lên, đã đạt 400 - 650 triệu đồng/ha, một số mô hình đạt 1 tỷ đồng/ha.

Theo đánh giá của Sở NN& PTNT Hà Nội, cây ăn quả đang trở thành nhóm cây chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao. Toàn TP hiện có hơn 21.880ha cây ăn quả các loại (tăng 39% so với năm 2015); ước tính sản lượng quả năm 2020 đạt 300.886 tấn (tăng 35% so với năm 2015). TP đang tập trung phát triển 4 loại cây ăn quả chủ lực (chiếm 62% tổng diện tích), gồm: Chuối, cam Canh, bưởi, nhãn chín muộn. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhãn chín muộn đã được xuất khẩu sang Malaysia, Australia, Mỹ… mở ra hướng phát triển mới cho các sản phẩm cây ăn quả của Thủ đô.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Tuy nhiên, việc phát triển các sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn Hà Nội còn gặp không ít khó khăn. Chất lượng cây ăn quả ở từng vườn, từng vùng không đồng đều; khâu sơ chế, bảo quản chưa được đầu tư đúng mức nên không có sản phẩm chế biến sâu. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, hạn chế lớn nhất đối với sản phẩm cây ăn quả Hà Nội hiện nay là công tác truy xuất nguồn gốc. Diện tích trồng cây ăn quả được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP hoặc hữu cơ còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 10%.

Để giải quyết những bất cập này, trước mắt TP tập trung quy hoạch và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các vùng trồng cây ăn quả đặc sản đã hình thành từ nhiều năm qua, nhằm tạo chất lượng ổn định. Mặt khác, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương, hợp tác xã, các cơ quan chức năng đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả Hà Nội. Đồng thời, lập mã QR code để truy xuất nguồn gốc và kết nối tiêu thụ sản phẩm tại các chuỗi, siêu thị. Trong đó, chú trọng việc nhân rộng các vườn cây ăn quả đạt tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP; đầu tư thiết bị kỹ thuật, hỗ trợ khâu sơ chế, bảo quản, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hà Nội đặt mục tiêu mở rộng diện tích cây ăn quả lên 25.750ha vào năm 2025, tập trung tại các vùng đồi gò, đất bãi và một số vùng chuyển đổi. Trong đó, diện tích chuyên canh là 10.000ha với các loại cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể. 

Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần