Ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm vận tải: Giảm áp lực, tăng hiệu quả

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm xử lý hiệu quả các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải (KDVT) đường bộ bằng xe ô tô, nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng. Liên quan đến hiệu quả và vai trò của biện pháp này, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Lê Xuân Tiến.

 
Theo ông nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng vi phạm trong lĩnh vực vận tải đường bộ còn diễn ra phổ biến?
- Vi phạm trong lĩnh vực KDVT đường bộ vẫn nhức nhối tại nhiều địa phương trên cả nước. Thực trạng này do một số nguyên nhân như: Hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực quản lý vận tải còn có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, còn có kẽ hở, đặc biệt là quy định đối với loại hình KDVT khách theo hình thức xe hợp đồng.
Với vận tải khách, một bộ phận hành khách vẫn giữ thói quen bắt xe dọc đường, không vào bến. Một số bến có lượng xe xuất bến với tần suất lớn, xe vắng khách khiến lái xe, chủ xe còn cố tình vi phạm dừng, đỗ đón thêm khách dọc đường, nhất là khi vắng bóng lực lượng chức năng.
Còn đối với xe KDVT hàng hóa, mặc dù khung phạt hành chính rất cao nhưng công tác xử phạt trên thực địa lại vô cùng khó khăn. Đơn cử như Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, nhiều Đội chỉ có 8, 9 người, trang thiết bị, cân kiểm tra tải trọng còn thiếu, trong khi địa bàn trải rộng với nhiều tuyến đường lớn nhỏ chằng chịt, khiến cho công tác tuần tra, kiểm soát rất khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều lái xe, chủ xe thường có thái độ chống đối, không chấp hành việc kiểm tra, xử lý, thậm chí gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ.
Vậy biện pháp nào hữu hiệu để giải quyết những khó khăn đó, thưa ông?
- Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, muốn giảm bớt áp lực cho lực lượng chức năng mà vẫn nâng cao được hiệu quả xử lý vi phạm, cách tốt nhất là ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát, kiểm tra, xử phạt. Hiện chúng ta đã có hệ thống giám sát hành trình đối với các xe ô tô KDVT do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý. Nghị định 10/2020/NĐ - CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ cũng đã bổ sung quy định xe ô tô KDVT khách từ 9 chỗ ngồi trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp camera bảo đảm ghi và lưu trữ hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông. Nhiều tuyến đường cũng đã lắp đặt camera giám sát giao thông, ghi hình phạt nguội… Đó là nền tảng cơ bản để tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm trong hiện tại và cả tương lai.
Những công nghệ này có thể thay thế được con người không, thưa ông?
- Theo tôi, không một máy móc, công nghệ nào có thể thay thế hoàn toàn con người. Nhưng nó là công cụ rất hữu hiệu, trợ giúp đắc lực cho chúng ta trong công tác quản lý vận tải. Ví dụ như với camera giám sát trên xe KDVT khách sẽ góp phần hạn chế được các vi phạm như dừng, đỗ xe trái quy định, chở quá số người… Hay xử phạt nguội thông qua hình ảnh thu được từ camera giám sát giao thông sẽ vừa giảm tải cho lực lượng chức năng, vừa cho hiệu quả rất cao. Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xử lý vi phạm vận tải sẽ dần nâng cao ý thức đối với người lái xe, đồng thời giúp DN vận tải, cơ quan quản lý Nhà nước “nhàn” hơn trong giám sát người lao động.
Có thể nói, công nghệ thông tin là một “giám sát viên” đắc lực, có thể làm việc 24/7, nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm, hạn chế tiêu cực, giảm số lượng người thực thi công vụ, trong khi vẫn bảo đảm về khối lượng công việc. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực KDVT vẫn còn một số khó khăn nhất định. Ví như chúng tôi chưa có nguồn nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin, thiếu sự chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các lực lượng chức năng, dẫn đến chưa khai thác, phát huy được tối đa tính năng, lợi ích của các phương tiện công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng hiện có. Đặc biệt là việc thiếu trang thiết bị phục vụ cho hoạt động kiểm tra, giám sát do chưa được đầu tư đúng mức.
Theo ông nên chú trọng vào những công nghệ nào trong xử lý vi phạm vận tải?
- Qua thực tế công tác, tôi nhận thấy một số ứng dụng công nghệ thông tin cần được gấp rút hoàn thiện và triển khai đồng bộ dữ liệu cho các đơn vị liên quan ngay. Ví dụ như chia sẻ dữ liệu hệ thống giám sát hành trình (đang do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý) hay đầu tư xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu phương tiện và lái xe KDVT dùng chung cho toàn quốc… Ngoài ra, cần lắp đặt thêm các trạm cân tải trọng điện tử trên các tuyến đường trọng điểm của Thủ đô. Khi phương tiện quá tải đi qua, hệ thống cân điện tử có thể tự cảnh báo hoặc truyền dữ liệu về cơ quan có thẩm quyền để phạt nguội. Phát triển phần mềm GovOne phục vụ công tác quản lý duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn TP...
Xin cảm ơn ông!
Hiện, Hà Nội cũng đã có hệ thống camera giám sát trực tuyến tại khu vực các bến xe, các tuyến đường trọng điểm nhưng việc truyền dữ liệu và xử phạt nguội dựa trên hình ảnh vi phạm vẫn chưa đồng bộ, hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần