Ứng dụng công nghệ vào quản lý đô thị tại Hà Nội: Bước đi tất yếu

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã trở thành một đại đô thị với tốc độ phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, dân số và kinh tế - xã hội. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý đô thị là một yêu cầu tất yếu, cấp thiết, nhằm hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững.

Những thành tựu đầu tiên

Phát biểu tại hội thảo “Xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” diễn ra vào giữa tháng 7 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội là một trong số những siêu đô thị trên thế giới về diện tích và quy mô dân số. Cũng như nhiều siêu đô thị khác, Hà Nội đang gặp phải những thách thức đến từ tốc độ đô thị hóa nhanh; các vấn đề về quy hoạch, UTGT, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, ô nhiễm môi trường... Và những khó khăn, thách thức này có thể được giải quyết một cách căn bản nếu Hà Nội phát triển theo định hướng một ĐTTM.
Muốn có một nền tảng CNTT toàn diện, phù hợp với sự phát triển, Hà Nội còn cần rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để xây dựng. Nhưng trước mắt, TP đã chủ động ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực như giao thông, y tế, hành chính công… nhằm từng bước cải thiện hiệu quả công tác quản lý đô thị. Ví như việc lắp đặt camera giám sát, kết nối với các trung tâm điều khiển tín hiệu đèn để điều hành hướng dẫn giao thông. Ngoài ra, hệ thống camera còn phục vụ đắc lực công tác giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm giao thông trên nhiều tuyến phố chính, quanh khu vực các bến xe lớn.
 Hệ thống giám sát thông minh tại Trung tâm kiểm soát thoát nước Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Trong lĩnh vực hành chính công, hiện nay các thủ tục cơ bản như: Cấp giấy khai sinh; cấp đổi giấy phép lái xe… cũng đều được thực hiện thông qua internet. Thay vì phải chờ đợi, xếp hàng tại các bộ phận một cửa như trước đây, người dân có thể thực hiện kê khai, đăng ký tại nhà, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí đi lại. Tương tự, lĩnh vực y tế hiện cũng được hưởng lợi rất nhiều từ ứng dụng CNTT. Bệnh nhân có thể đặt lịch khám qua internet, được hẹn giờ thăm khám…; vừa góp phần giảm tải cho bệnh viện vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự hài lòng cho người bệnh.

Nhiều lĩnh vực khác, khi ứng dụng CNTT đã tạo nên bước đột phá, đem đến những dịch vụ hữu ích trước nay chưa từng có cho người dân. Ví dụ như việc xây dựng bản đồ số, thông tin về các điểm ngập úng trong mưa lớn do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện. Người dân chỉ cần cài đặt ứng dụng, tìm kiếm thông tin để tránh các điểm ngập úng khi tham gia giao thông. Hay ứng dụng Timbuyt do Tổng Công ty Vận tải Hà Nội xây dựng cũng rất hữu ích với hành khách đi xe buýt. Thay vì chờ đợi trong mưa, nắng tại các điểm dừng, hay dò dẫm tìm tuyến xe buýt thích hợp, người dân có thể tìm kiếm ngay trên ứng dụng; biết chính xác thời điểm xe đến bến chờ.

3 yếu tố quyết định

Hà Nội đang tích cực hướng tới mô hình ĐTTM với kỳ vọng thay đổi căn bản phương thức quản lý, ngày càng mang lại nhiều tiện ích, an toàn và sự phát triển ổn định, bền vững. Các chuyên gia cho rằng, muốn đạt được kỳ vọng đó, TP cần tập trung vào xây dựng, hoàn thiện 3 yếu tố cơ bản. Đó là: Cơ chế, chính sách; nguồn lực con người; và hạ tầng kỹ thuật.

Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng hiện mới ở giai đoạn tiếp cận, chưa thể triển khai một cách toàn diện các giải pháp xây dựng ĐTTM. Chính quyền địa phương cũng chưa thực sự nắm bắt và kiểm soát được đầy đủ các vấn đề rủi ro, hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các vấn đề đô thị. Đặc biệt là còn thiếu rất nhiều những thành tố trong chính sách hình thành, phát triển ĐTTM. Để giải quyết vấn đề này, không chỉ Hà Nội mà các bộ, ngành và Chính phủ cũng cần nhanh chóng bắt tay vào cuộc, sớm tháo gỡ khó khăn, xây dựng khung chính sách phù hợp với định hướng phát triển ĐTTM.

Theo các chuyên gia, bên cạnh những điều kiện như chính sách, hạ tầng kỹ thuật…, con người chính là nguồn lực quan trọng cần được chuẩn bị trước một bước. Giải quyết vấn đề nhân sự cho ĐTTM không chỉ là đào tạo một lớp cán bộ, công chức biết dùng các thiết bị thông minh.

Thạc sĩ quản lý đô thị Đinh Quốc Thái chia sẻ, cần có cách tiếp cận chiến lược đối với vấn đề nguồn lực nhân sự. Trước hết phải có định hướng phát triển ĐTTM một cách rõ ràng, hoạch định kiến trúc tổng thể bao gồm mọi lĩnh vực của đời sống. Từ đó có kế hoạch lựa chọn cả về số lượng, chất lượng nhân sự rồi đào tạo chuyên sâu. Chuẩn bị nguồn lực nhân sự phải song hành với xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt lớp cán bộ, công chức, viên chức phải là những người đầu tiên được đào tạo, có hiểu biết sâu sắc về công nghệ thông tin.

Một trong ba yếu tố quan trọng nhất, cũng là khâu sẽ đòi hỏi nhiều nỗ lực nhất của Hà Nội trong quá trình hình thành ĐTTM là đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin. Kiến trúc sư trưởng về Smart city của Tập đoàn Viettel Lê Quốc Hữu cho rằng, Hà Nội đã bắt đầu xây dựng một số thành tố của ĐTTM; một số ứng dụng CNTT và truyền thông đã được đưa vào lĩnh vực giao thông, y tế, hành chính công... Tuy nhiên, Hà Nội vẫn nên nhanh chóng xây dựng một kiến trúc tổng thể của ĐTTM, giúp TP có hệ thống thu thập, phân tích, quản lý dữ liệu đồng bộ.

Có thể thấy, phát triển theo định hướng ĐTTM là bước đi chiến lược, tất yếu của Hà Nội nhằm giải quyết những thách thức ngày càng gia tăng theo đà phát triển. Như nhiều chuyên gia nhận định, đã tới lúc Hà Nội phải lựa chọn và đưa ra những giải pháp đột phá nhằm xây dựng ĐTTM, nếu chậm trễ sẽ mất đi cơ hội phát triển tương xứng, đồng bộ với khu vực và thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần