Ứng dụng công nghệ vào trông giữ phương tiện: Cơ sở xây dựng thành phố thông minh

Ngọc Hải thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thí điểm ứng dụng công nghệ quản lý, điều hành các bến, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội Phạm Văn Đức
Để làm rõ hơn những ưu điểm và khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai đề án, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội Phạm Văn Đức.
Xin ông cho biết ý tưởng đưa công nghệ hiện đại vào quản lý điều hành các bến, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP Hà Nội hình thành từ khi nào?

- Tháng 9/2016, UBND TP Hà Nội, mà trực tiếp là Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội nghiên cứu, xây dựng đề án. Mục tiêu là từng bước ứng dụng công nghệ cao vào quản lý, điều hành giao thông tĩnh, góp phần tạo nền tảng hướng tới xây dựng Thủ đô thành một TP thông minh. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ vừa giúp hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các bến bãi, điểm đỗ xe trên địa bàn TP, vừa đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Lợi ích mà ông nói tới cụ thể là gì?

- Trước tiên phải nhìn nhận, việc trông giữ phương tiện trên địa bàn Hà Nội hiện nay còn khá lộn xộn, mạnh chỗ nào chỗ ấy làm, mỗi nơi mỗi giá; vừa khiến cơ quan quản lý đau đầu, vừa khiến người dân phải chịu thiệt thòi về giá, phí, khó khăn khi tìm kiếm chỗ đỗ, gửi xe. Nhưng nếu ứng dựng công nghệ vào, xây dựng bản đồ số hóa các điểm trông giữ xe, tính thời gian, thu phí bằng máy móc sẽ giúp minh bạch, thuận lợi trong quản lý; người dân cũng sẽ dễ dàng tìm kiếm điểm đỗ xe trên lộ trình của mình; hạn chế tối đa lượng xe cộ đi lòng vòng tìm nơi gửi, góp phần kéo giảm áp lực giao thông trong nội đô TP… Đó là những lợi ích hết sức thiết thực, thậm chí có thể khẳng định là mang tính đột phá mạnh mẽ đối với Hà Nội.

Ông có thể mô tả rõ hơn về đề án nêu trên và những tiện ích?

- Về tổng quan, đề án sẽ bao gồm 4 bước chính: Xây dựng bản đồ số các điểm trông giữ phương tiện trên toàn địa bàn TP; Lắp đặt cảm biến, trang thiết bị ghi hình, biển báo tại các điểm trông giữ xe; Thiết lập phần mềm quản lý, kiểm soát mạng lưới, chia sẻ thông tin đến khách hàng; Tổ chức thực hiện trong thực tế.
 Nhà để xe áp dụng công nghệ hiện đại trên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân
Khi xây dựng được bản đồ số điểm trông giữ xe, chúng tôi sẽ đưa toàn bộ thông tin lên internet thông qua phần mềm tiện ích tương ứng. Chủ phương tiện có thể sử dụng các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng… tìm kiếm điểm đỗ và đặt chỗ trước. Tại các điểm đỗ, chúng tôi cũng trang bị hệ thống biển báo điện tử, hiển thị thông tin về vị trí đỗ xe hết hay còn, đáp ứng loại xe kích thước ra sao để phục vụ khách vãng lai từ xa tới hoặc không sử dụng thiết bị thông minh. Ngoài ra, các cảm biến được lắp đặt dưới mặt đường hoặc trong các gờ giảm tốc sẽ tự nhận dạng kích thước xe, thời gian ra vào, tính thành tiền. Nhân viên trông giữ cứ việc theo thông tin hiển thị trên máy để thu tiền, đảm bảo xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng không minh bạch trong thu phí.

Ông có thể chia sẻ những thuận lợi và cả khó khăn trong quá trình xây dựng, thí điểm đề án này?

- Thuận lợi lớn nhất mà Công ty có được chính là từ sự quyết tâm đổi mới, đem cái mới, cái hiện đại, văn minh về cho Thủ đô của lãnh đạo UBND TP Hà Nội. Bên cạnh đó, Công ty cũng là một đơn vị chính quy, chuyên nghiệp, có bề dày kinh nghiệm và đủ tiềm lực để xây dựng, thí điểm đề án.
 Nhà để xe trên đường Nguyễn Công Hoan. Ảnh: Duy Khánh
Nhưng bên cạnh đó cũng có một số tâm tư, lo lắng rất cần được các cấp ngành chức năng quan tâm, xem xét. Trước hết là về cơ chế, chính sách, bởi hiện nay, các điểm đỗ xe chỉ được cấp phép từ 3 - 6 tháng; trong khi đó để đầu tư vào một điểm đỗ theo công nghệ mới phải mất từ 50 - 60 triệu đồng, chưa kể chi phí thuê mặt bằng. Nếu không được cấp phép sử dụng, hoạt động ổn định tối thiểu trong thời hạn 5 năm, chúng tôi sẽ khó lòng thu hồi đủ vốn đầu tư cho đề án. Mặt khác, hiện chưa có một đơn vị, phòng, ban nào đứng ra quản lý chung một cách chi tiết các điểm đỗ xe trên toàn địa bàn TP. Có nơi thì do Sở GTVT cấp phép, có nơi lại do địa phương cấp phép. Muốn xây dựng bản đồ số hóa buộc phải quy tất cả về một mối, do một đơn vị quản lý, thu thập thông tin, dữ liệu. Còn một vấn đề nữa là muốn thực hiện công nghệ tự động hóa này một cách hiệu quả, rất cần mỗi chủ phương tiện, lái xe phải có tài khoản ngân hàng riêng; Công ty phải được ngân hàng hỗ trợ để tính phí, trừ tiền trực tiếp trên tài khoản của khách…

Trước mắt, chúng tôi sẽ thí điểm và tổng hợp kết quả, đánh giá, báo cáo để TP Hà Nội tiếp tục có chủ trương, nhưng tôi tin rằng, đề án sẽ thành công và đem lại hiệu quả tốt cho cả cơ quan quản lý Nhà nước và người dân.

Xin cảm ơn ông!

Đề án sẽ được thí điểm tại 2 vị trí: Một vị trí trong khuôn viên điểm đỗ xe công cộng Trần Nhật Duật hoặc Nguyễn Công Hoan; Một trên hè đường phố Trần Hưng Đạo, đoạn từ Phan Chu Trinh - Ngô Quyền.