Ứng dụng máy sấy nông sản: Hiệu quả kinh tế cao

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều ưu điểm, máy sấy nông sản do Công ty TNHH Đầu tư và Hỗ trợ thương mại SH (SHgroup) nghiên cứu, ứng dụng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm tổn thất sau thu hoạch cho người nông dân.

 CEO SHgroup Vương Hoàng Sơn (ảnh phải) giới thiệu với khách hàng sản phẩm máy sấy nông sản tại triển lãm Vietnam Growtech 2018. Ảnh: Thảo Trần
Đã 3 mùa lúa, người nông dân xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai không còn phải vất vả hong, phơi thóc trước khi bán cho HTX bởi HTX Tam Hưng đã đầu tư máy sấy nông sản SHgroup. Theo Giám đốc HTX Tam Hưng Đỗ Văn Kiên, trước đây, sau khi thu hoạch lúa, ngô, người nông dân thường phải phơi, hong, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và tốn thời gian, chi phí. Chính vì vậy, HTX đã đầu tư mua máy sấy nông sản, sau đó thu mua sản phẩm của bà con về sấy. “Việc sấy nông sản giúp sản phẩm khô ráo, ngăn ngừa phát sinh một số loài nấm mốc, sâu mọt, ít hao hụt số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, máy sấy giúp giảm được nhiều chi phí cho người dân, đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn, hiệu quả và có chất lượng cao hơn”- Giám đốc HTX Tam Hưng chia sẻ.

Không chỉ có ở Hà Nội, sản phẩm máy sấy nông sản đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình… CEO SHgroup Vương Hoàng Sơn cho biết, với nhiều ưu điểm, máy có nhiều công suất khác nhau, sử dụng thiết bị đo ẩm độ của Nhật Bản sản xuất đảm bảo chính xác, liên tục. Chính vì vậy, hệ thống sấy lúa dạng tháp kiểu tuần hoàn cho phép tiết kiệm diện tích lắp đặt, tốc độ sấy nhanh, đảm bảo chất lượng và độ đồng đều sản phẩm đầu ra. “Với mục đích thiết kế cho những xã, HTX và nhóm hộ gia đình, SHgroup đã thiết kế máy sấy nông sản có công suất nhỏ, chứa khoảng 6 tấn lúa, ngô” - CEO SHgroup cho hay.

Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, SHgroup đã thiết kế bên trong máy sấy tủ điều khiển khá hiện đại để người nông dân có thể vận hành một cách dễ dàng. Khi được kết nối internet, máy sẽ tự động phát tín hiệu truyền về trung tâm công ty, giúp người nông dân theo dõi máy sấy đang vận hành ra sao, có lỗi gì, báo hiệu sản phẩm nông sản khô hay ướt. Từ đó, trung tâm có thể hướng dẫn họ qua ứng dụng Zalo hay Facebook để tỷ lệ thu hồi sản phẩm được cao hơn.

Thời gian tới, SHgroup hợp tác với công ty Nhật Bản đưa ra thị trường máy xay gạo tươi. Với công nghệ Nhật, SHgroup để người tiêu dùng chọn lựa các loại thóc, sau đó cho vào máy xay ra sản phẩm gạo tươi. "Người tiêu dùng sẽ chọn độ trắng tùy thích. Tuy nhiên, nếu gạo trắng quá sẽ lấy đi nhiều cám, mà 70% dinh dưỡng của gạo nằm trong cám. Nếu người tiêu dùng chấp nhận lấy độ trắng của gạo ít thì sẽ có rất nhiều dưỡng chất. Với máy xay gạo tươi, người tiêu dùng có thể tự xay và kiểm soát được chất lượng" - ông Vương Hoàng Sơn chia sẻ.