Ứng Hòa phấn đấu đưa 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 19/3, đoàn công tác Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP Hà Nội đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2016 - 2020 tại huyện Ứng Hòa.

Đoàn công tác Văn phòng điều phối Nông thôn mới TP Hà Nội làm việc tại huyện Ứng Hòa
Triển khai thực hiện Chương trình số 02, đến nay, toàn huyện Ứng Hòa đã có 19/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); các xã còn lại đạt và cơ bản đạt từ 17 - 19 tiêu chí. Căn cứ Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Ứng Hòa đã đạt 6/9 tiêu chí; còn lại 3 tiêu chí cơ bản đạt là giao thông, y tế - văn hóa - giáo dục và môi trường. Ứng Hòa là huyện đăng ký số xã về đích NTM trong năm 2019 nhiều nhất TP với 7 xã gồm: Phù Lưu, Trầm Lộng, Sơn Công, Hòa Lâm, Vạn Thái, Lưu Hoàng và Quảng Phú Cầu.
Mặc dù là huyện khó khăn, xa trung tâm Thủ đô song thời gian qua, Ứng Hòa luôn chú trọng huy động nguồn lực cho xây dựng NTM. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM từ năm 2016 đến nay đạt trên 1.700 tỷ đồng.
Theo đó, huyện ưu tiên đầu tư, nâng cấp và xây mới các công trình hạ tầng nông thôn ở các xã như: Bê tông và nhựa hóa hơn gần 133km đường giao thông trục xã; hơn 160km trục thôn, 427,9km trục thôn. Về thủy lợi, từ năm 2016 đến nay, huyện đã bê tông hóa hơn 40 km đường trục nội đồng kết hợp kênh mương tưới tiêu, cơ bản đáp ứng yêu cầu về sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai.
Cũng từ năm 2016 đến nay, huyện đã đầu tư nâng cấp, cải tạo 9 trường trung học cơ sở, 5 trường tiểu học, 2 trường mầm non; xây mới 2 trường trung học cơ sở, 4 trường mầm non. Nhờ đó, đến nay, toàn huyện có 60/90 trường học đạt chuẩn quốc gia (tăng 24 trường so với đầu năm 2016), trong đó có 16 trường mầm non; 20 trường tiểu học, 24 trường trung học cơ sở.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho hay, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như: Mô hình trồng rau an toàn trong nhà màng tại xã Sơn Công, trồng dưa lưới trong nhà màng tại xã Hồng Quang… Đặc biệt là xây dựng thành công mô hình lúa J02 tại 19 xã có liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Cùng với phát triển kinh tế, đời sống nông dân trên địa bàn Ứng Hòa từng bước được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 37,1 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm còn 2,4%. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, nhất là các đối tượng chính sách và người nghèo. Trên địa bàn huyện không còn nhà dột nát; 32% số dân được sử dụng nước sạch; trên 85% số dân tham gia bảo hiểm y tế…
Sau khi đi kiểm tra thực tế vùng chuyển đổi sản xuất tại xã Sơn Công, đại diện đoàn công tác Văn phòng Điều phối xây dựng NTM TP Hà Nội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Hoàng Thị Huyền đánh giá cao nỗ lực của huyện Ứng Hòa trong triển khai Chương trình số 02 thời gian qua. Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM năm 2019, bà Huyền đề nghị địa phương tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhân rộng những mô hình canh tác có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân.
Đặc biệt, huyện tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM, nhất là tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Đây được coi là tiền đề quan trọng để xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo Quyết định 4212/QĐ-UBND của UBND TP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần