Ứng Hòa rà soát, xử lý vi phạm đê điều

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều tại huyện Ứng Hòa diễn biến rất phức tạp.

Việc xử lý, giải tỏa dứt điểm các vụ vi phạm đê điều đã và đang trở thành bài toán khó đối với huyện.

Tồn đọng, phát sinh 237 vụ vi phạm

Tính từ 7/2015 - 3/2017, trên địa bàn huyện Ứng Hòa tồn đọng và phát sinh 237 vụ vi phạm đê điều. Đáng nói, các vụ vi phạm tập trung chủ yếu tại các xã đã tiến hành giải tỏa quyết liệt vào năm 2015 như thị trấn Vân Đình, xã Hòa Nam. Hầu hết các vi phạm là xây nhà, công trình phụ, lều quán, tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê. Một số trường hợp do trước đó không xử lý dứt điểm đến nay rất khó giải tỏa vì các hộ dân không thể xây lùi nhà được nữa. Chẳng hạn như, một dãy nhà chạy dài từ thôn Đặng Giang (xã Phù Lưu) đến xã Hòa Phú đều lấn vào hành lang an toàn đê tới hơn 10m. Hơn nữa, tại xã Hòa Nam, các công trình vi phạm tái diễn ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho việc xử lý. Đáng nói, khi có thông báo giải tỏa, các hộ đều tự giác tháo dỡ nhưng khi lực lượng chức năng đi khỏi họ lại lắp mái che như cũ.

Lực lượng chức năng giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đê tại xã Hòa Nam. Ảnh: Ánh Ngọc

Theo ông Đặng Viết Hùng – Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng huyện Ứng Hòa, tại thị trấn Vân Đình, không ít trường hợp là "đê lấn nhà", vì những hộ này đều đang sở hữu đất thổ cư (đất do ông cha để lại) và có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp nên không thể cấm xây dựng. Hay trường hợp các hộ có nhà bám đê hoàn toàn nếu cấm họ đổ đất, xây kè thì chẳng khác nào dồn người dân vào thế “có nhà mà không có lối đi”. Vì vậy, thay vì ngăn chặn dân đổ đất, xây kè thì chỉ nên ngăn chặn xây cầu để tránh làm ảnh hưởng kết cấu đê.

Mạnh tay xử lý

Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Lê Hồng Hà thẳng thắn nhận định, con số 237 vụ vi phạm đê điều trong gần 2 năm đã chứng tỏ sự buông lỏng quản lý tại cấp cơ sở. Đồng thời, thể hiện sự thiếu trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp lệnh đê điều chưa đến nơi đến chốn.

Thực tế cho thấy, không ít cán bộ một số địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo thực hiện do tâm lý nể nang. Điều này vô tình tạo cơ hội cho vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn. Theo ông Dương Tuấn Anh - Phó Trưởng phòng Tư Pháp huyện Ứng Hòa, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương là Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND xã, thị trấn cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong công tác quản lý Nhà nước về Luật Đê điều. Bên cạnh đó, cấp cơ sở phải nắm rõ quy trình thực hiện, phát hiện, can thiệp sớm bằng các biện pháp ngăn chặn thì công tác xử lý, giải tỏa vi phạm mới thực sự hiệu quả.

Nhằm đảm bảo an toàn công trình đê điều, hành lang bảo vệ đê điều tạo thuận lợi cho công tác phòng chống lụt bão, Ứng Hòa sẽ quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp xử lý dứt điểm các vụ vi phạm đê điều với phương châm "giải tỏa vi phạm đến đâu, quản lý chặt đến đó". Trước mắt, huyện giao nhiệm vụ cho Hạt quản lý đê Ứng Hòa – Mỹ Đức và phòng Kinh tế hỗ trợ các xã, thị trấn rà soát, xác định lại mức độ vi phạm của từng vụ. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về pháp lệnh đê điều trên hệ thống loa truyền thanh nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Huyện cũng đề ra phương án sẽ tách riêng các trường hợp xây dựng trên đất thổ cư trong số 237 vụ vi phạm và sớm có văn bản đề nghị Sở NN&PTNT, UBND TP trả lời, hướng dẫn biện pháp xử lý. Khi có văn bản trả lời của các cấp, huyện sẽ tiến hành xử lý theo quy định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần