Ứng Hòa vướng nhóm tiêu chí hạ tầng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù phấn đấu về đích huyện nông thôn mới (NTM) trong năm 2020, tuy nhiên thời điểm này, huyện Ứng Hòa vẫn đang bộn bề khó khăn để hoàn thành nhóm tiêu chí hạ tầng.

 Hội đồng thẩm định nông thôn mới TP Hà Nội kiểm tra tại trường Tiểu học Lưu Hoàng, xã Lưu Hoàng, Ứng Hòa. Ảnh: Nguyễn Nga

Nhiều công trình khó kịp tiến độ 
Hồng Quang là một trong những xã đăng ký về đích NTM trong năm 2020 của huyện Ứng Hòa. Tuy nhiên thời điểm này, xã mới có 11 tiêu chí đạt, 7 tiêu chí cơ bản đạt và 1 tiêu chí chưa đạt. Trong đó, các tiêu chí cơ bản và chưa đạt nằm trọn trong nhóm tiêu chí hạ tầng. Chủ tịch UBND xã Hồng Quang Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Hiện toàn xã có 4 thôn thì chỉ có 2 thôn có nhà văn hóa, 2 thôn còn lại phải đi họp nhờ ở các đình làng. Còn đường giao thông nội đồng trên địa bàn xã cơ bản là đường đất.
Trong đó, khó khăn nhất hiện nay phải kể đến là tiêu chí trường học. Hiện cả xã chưa có trường đạt chuẩn. Căn cứ vào tình hình thực tế, chỉ có cấp tiểu học đang được đầu tư xây dựng và có khả năng đạt chuẩn trong năm 2020. Còn lại 2 cấp trường mầm non và THCS đang xuống cấp trầm trọng. “Ngoài thiếu vốn, xã còn đang chật vật trong việc thu hồi đất để xây dựng 2 điểm trường, vì thế sẽ khó kịp tiến độ” – ông Dũng lo lắng.
Tính đến hết năm 2019, huyện Ứng Hòa có 24/28 xã được TP công nhận xã đạt chuẩn NTM. Còn lại 4 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí huyện NTM, đến nay huyện Ứng Hòa đã có 6 tiêu chí đạt, còn lại 3 tiêu chí cơ bản đạt gồm giao thông, y tế - văn hóa – giáo dục và tiêu chí môi trường.
Cũng gặp khó với tiêu chí trường học, thời điểm này, xã Quảng Phú Cầu mới có trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Còn lại cấp trường THCS và mầm non hiện đang thi công. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Lê Văn Dịu, khó nhất hiện nay của xã phải kể đến tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Hiện nay, xã chưa có nhà văn hóa và đến thời điểm này cũng chưa có chủ trương xây dựng.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, mức độ đạt tiêu chí về hạ tầng trên địa bàn huyện vẫn ở mức thấp, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa… Trong đó, riêng tiêu chí trường học toàn huyện mới có 64/90 trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Thời điểm này, ngoài việc thiếu nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất trường học, huyện còn 2 xã Hồng Quang và Lưu Hoàng đang khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Do đó, huyện đang bị động bởi tiến độ hoàn thành tiêu chí cơ sở trường học.
Cần cơ chế đặc thù
Để hoàn thành nhóm tiêu chí hạ tầng, quan trọng nhất vẫn là kinh phí. Trong khi đó, Ứng Hòa lại là một huyện thuần nông khó khăn. Các nguồn lực huy động xây dựng NTM chưa được nhiều, nhiều xã vẫn chưa huy động được kinh phí từ đấu giá quyền sử dụng đất, xử lý đất xen kẹt trong khu dân cư. Theo thống kê, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2016 lũy kế đến quý I/2020 của huyện là 2.730.031 triệu đồng. Trong đó, ngân sách huyện chỉ có 559.269 triệu đồng, ngân sách xã là 382.416 triệu đồng và Nhân dân đóng góp 199.231 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, Ứng Hòa cần một nguồn lực lớn để hoàn thành mục tiêu huyện NTM. Chỉ tính riêng 4 xã về đích NTM trong năm 2020 đã cần kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí dự phòng của huyện hiện đã cạn kiệt do ưu tiên cho công tác phòng chống dịch. Hiện huyện vẫn tiếp tục vận động DN, tổ chức xã hội, Nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM bằng ngày công, đất đai, vật tư… Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực xây dựng NTM. “Để hoàn thành kế hoạch công tác xây dựng NTM đến hết năm 2020 và những năm tiếp theo, huyện Ứng Hòa đề nghị TP và các sở, ngành liên quan có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với huyện. Đồng thời tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng hạ tâng thiết yếu như giao thông, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa…” – ông Viễn kiến nghị.