Úng ngập cục bộ sẽ giảm đáng kể

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ mỗi mùa mưa đến, người dân Hà Nội lại lo lắng trước nguy cơ bị úng ngập, gây ảnh không nhỏ đến việc đi lại cũng như sinh hoạt của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, mùa mưa năm nay tình trạng úng ngập cục bộ sẽ được cải thiện đáng kể.

 Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội thực hiện nạo vét hệ thống cống tiêu trước mùa mưa bão 2018. Ảnh: Công Hùng
Rác bọc, cặn mỡ góp phần gây ngập
Nhớ lại mùa mưa 2017, nhiều người vẫn chưa hết lo lắng, một số trục đường mới tại các quận phía Tây TP như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông… nước dâng tràn đường phố, khiến việc lưu thông rất khó khăn. Nhiều khu đô thị, tòa cao ốc mới trở thành “điểm đen” về úng ngập như Khu đô thị mới như Văn Quán, Văn Phú, An Khánh, Geleximco Dương Nội…

Để giải quyết tình trạng nêu trên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết, thời gian qua, để giúp người dân ứng phó kịp thời trong tình trạng mưa lũ đang có diễn biến phức tạp, Công ty đã chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo nhiều công trình tiêu, thoát nước, ứng dụng công nghệ trong việc dự báo, giám sát mưa.
Trong năm 2017, 3/18 điểm ngập úng tại phố Cổ Linh (Long Biên); ngã ba Quang Trung – Phan Đình Giót (Hà Đông) và các điểm nhỏ lẻ tại phố Hoàng Mai, Huỳnh Thúc Khánh, Thợ Nhuộm, Yên Sở… đã được giảm nhiều. Tuy nhiên, mùa mưa 2018, trên toàn địa bàn TP vẫn còn 15 điểm ngập. Ông Võ Tiến Hùng cho rằng, nguyên nhân là do diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, có những trận mưa gần đây đo được chỉ trong vòng 40 phút đã đạt 70 - 80mm. Bên cạnh đó, nhiều công trình xây dựng dang dở làm ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động của các công trình tiêu, thoát nước trên địa bàn TP.
Nghiêm trọng hơn, là tình trạng vứt rác bừa bãi làm bịt các miệng hố ga và xuất hiện ngày càng nhiều các nhà hàng ăn uống xả thẳng dầu mỡ thừa ra hệ thống thoát nước làm ách tắc dòng chảy. “Có những tuyến phố trước kia không bị úng ngập cục bộ, sau khi các hộ kinh doanh thuê mở hàng ăn uống bỗng phát sinh ngập úng. Khi chúng tôi khảo sát thì phát hiện hệ thống cống khu vực xung quanh bị mỡ đặc bít kín” - ông Võ Tiến Hùng chia sẻ.

Chủ động ứng phó

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, mùa mưa bão năm nay sẽ có nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Nội. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của công tác tiêu, thoát nước của Hà Nội.

Để ứng phó với mùa mưa năm nay, cùng với kế hoạch thoát nước hàng năm, Công ty Thoát nước Hà Nội vừa đưa ra nhiều giải pháp chống úng ngập cho các khu vực tập trung nhiều điểm ngập úng trên địa bàn TP. Trong đó, giải pháp về công nghệ được chú trọng với việc nâng cấp và ổn định hoạt động của Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước.
Hiện nay, Trung tâm này có chức năng dự báo và giám sát diễn biến mưa, lượng mưa, mực nước, hoạt động của các trạm bơm, đập điều tiết trên hệ thống thoát nước với 41 trạm đo mưa, 30 trạm đo mực nước tự động, giám sát vận hành trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế, Bắc Thăng Long – Vân Trì. Giám sát qua camera các điểm úng ngập theo thời gian thực từ đó Công ty chủ động trong việc điều hành thoát nước khi mưa. Đặc biệt, từ tháng 4/2018, Trung tâm đã triển khai thí điểm ứng dụng HSDC Maps – cảnh báo úng ngập và gợi ý chỉ đường trên điện thoại thông minh để phục vụ người dân khi có mưa. Người dân có thể tải miễn phí ứng dụng về điện thoại để sử dụng (đối với hệ điều hành iOS tải trên AppStore, đối với hệ điều hành Androi tải trên CH Play).

Ông Võ Tiến Hùng cho biết thêm, Công ty tiếp tục công tác duy tu, nạo vét nhằm đảm bảo tối đa khả năng tiêu nước của các công trình. Đến hết quý I/2018, các trục thoát nước chính gồm sông Tô Lịch, sông Lừ, kênh bao, kênh dẫn trạm bơm Yên Sở, mương Đồng Bông 1, kênh tiêu Ba La… đã được nạo vét đảm bảo tốc độ dốc thủy lực nhằm đưa nước nhanh nhất về nguồn tiêu. Đồng thời, Công ty cũng đang khẩn trương thực hiện nạo vét các hồ điều hòa nhằm nâng cao khả năng điều hòa nước khi mưa xuống.
15 điểm ngập úng còn tồn tại trong mùa mưa năm 2018 được Công ty Thoát nước Hà Nội công bố, gồm: Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; Ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa (quận Hoàn Kiếm); phố Cao Bá Quát, đoạn trước cửa Công ty Môi trường đô thị; Đội Cấn, trước cửa số nhà 209 (quận Ba Đình); ngã ba La Pho - Thụy Khuê (quận Tây Hồ); phố Minh Khai, đoạn chân cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng); đường Giải Phóng, đoạn trước cửa bến xe phía Nam; Phố Nguyễn Chính từ ngõ 74 đến cống hóa mương Tân Mai; phố Thanh Đàm (quận Hoàng Mai); phố Nguyễn Khuyến, khu vực trước cổng trường Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa); đường Trường Chinh, đoạn Bệnh viện PKKQ (quận Thanh Xuân); phố Hoa Bằng (quận Cầu Giấy); đường Phạm Văn Đồng, trước và đối diện Công ty Cầu 7, ngã ba Tân Xuân - Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm); đường Ngọc Lâm, từ ngã ba Long Biên 1 đến Xí nghiệp Môi trường đô thị Gia Lâm; phố Hoàng Như Tiếp, trường Tiểu học Ngọc Lâm đến ngã 3 Hoàng Như Tiếp - Ái Mộ (quận Long Biên)…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần