Ứng phó với đại dịch Covid-19: Không có lựa chọn hoàn hảo

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quốc gia không chỉ gặp khó khăn trong lựa chọn con đường ứng phó với đại dịch Covid-19 đang bùng phát hiện tại, mà còn được báo động sẽ phải tìm cách giải quyết những “triệu chứng” dai dẳng, một khi chưa thể tìm được vaccine hữu hiệu.

Chiến lược cách ly cộng đồng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan dường như đã phát huy hiệu quả trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Trung Quốc, nhưng quốc gia này cũng phải trả một cái giá rất đắt. Dữ liệu từ Pantheon Macroeconomics mới đây cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã có cú lao dốc lịch sử trong 2 tháng đầu năm: Sản xuất công nghiệp giảm 13,5% và sản xuất dịch vụ giảm 13%; doanh số bán lẻ giảm tới 20,5%.
  Đại lộ Rajpath, New Delhi, ngày Ấn Độ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc vì Covid-19.
Báo cáo đầu tháng này của Nikkei cũng cho biết, chỉ số hoạt động kinh doanh của Trung Quốc trong tháng 2 đã giảm hơn 25 điểm - sự sụt giảm kỷ lục trong 14 năm qua kể từ khi khảo sát này bắt đầu.
“Tôi cho rằng mọi quốc gia sẽ phải đối mặt với sự đánh đổi khó khăn giữa sức khỏe và tác động kinh tế, và chắc chắn cả hai sẽ chịu tổn thất nặng nề”, TS. Ben Cowling - Giám đốc Trung tâm hợp tác về bệnh truyền nhiễm và kiểm soát dịch bệnh của Tổ chức y tế thế giới tại ĐH Hongkong nhận định. Hiện tại, ước tính hơn 1 tỷ người đang được yêu cầu phải ở nhà khi khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng đã tăng cường biện pháp ngăn chặn virus lây lan.
Tuy nhiên, khi phải cân nhắc sự đánh đổi giữa thiệt hại kinh tế và rủi ro sức khỏe cộng đồng, không phải quốc gia nào cũng chọn cách làm của Trung Quốc - ít nhất là ngay từ ban đầu. Thời điểm nước Anh ghi nhận hơn 500 ca nhiễm Covid-19 và ngay cả Thứ trưởng Bộ Y tế nước này cũng được xác nhận dương tính, trường học và các DN Xứ sương mù vẫn hoạt động bình thường, các sự kiện tập trung đông người vẫn được phép diễn ra.
Theo ông Cowling, quyết định của London lúc đó cho thấy việc xem xét yếu tố kinh tế hơn cả trong tính toán chính sách y tế cộng đồng, vì vậy cũng sẽ hạn chế đầu tư vào công tác thử nghiệm Covid-19 rộng rãi.
Sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm mới, đẩy nước Anh vào top 10 thế giới về tổng số ca nhiễm, Chính phủ London đã phải chuyển dần sang phương pháp cách ly, hạn chế trên toàn quốc kể từ đầu tuần này. Đáng chú ý, sự thay đổi diễn ra ngay sau một báo cáo của ĐH Hoàng gia London, cho rằng nửa triệu người tại Anh có thể chết vì dịch Covid-19 nếu không thực hiện bất cứ hoạt động kiểm soát nào.
Rõ ràng, không có lựa chọn nào là hoàn hảo lúc này. Nếu chính phủ không làm gì để ngăn chặn Covid-19, các bệnh viện sẽ rơi vào quá tải và hàng trăm nghìn người có nguy cơ tử vong. Nhưng các biện pháp cách ly quy mô lớn được thực hiện đồng nghĩa với việc nền kinh tế dễ bị gạt sang một bên. Ông Cowling lưu ý, làm chậm quá trình lây bệnh để bảo vệ sức khỏe con người chắc chắn là điều cần ưu tiên số một hiện nay, nhưng duy trì hoạt động kinh tế cũng phải cân nhắc.
Và dù trong trường hợp nào, nền kinh tế cũng được cho sẽ bị ảnh hưởng, mà mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào cách các chính phủ lựa chọn giải quyết làn sóng lây nhiễm xảy ra sau khi dỡ lệnh phong tỏa giai đoạn đầu. TS. Ben Cowling phân tích, việc đình chỉ nền kinh tế kéo dài 1 tháng chỉ giúp trì hoãn đỉnh dịch trong khoảng 3 tháng. Vì vậy, khi Trung Quốc đang bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế, nhiều chuyên gia lo ngại số ca lây nhiễm sẽ tăng trở lại.
Theo ông Cowling, nếu không có một kế hoạch dài hạn, mọi quốc gia có thể vướng vào “vòng luẩn quẩn”, phải đóng cửa các DN và thực hiện cách ly hàng loạt sau 3 tháng một lần, đẩy chi phí kiểm soát đại dịch lên mức không tưởng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần