Ứng phó với dịch cúm do nhiễm virus corona: Sẵn sàng trước mọi tình huống

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định dịch nCoV chưa ở mức nghiêm trọng thì tại Việt Nam, cả hệ thống chính trị vào cuộc, công tác phòng chống dịch rất khẩn trương, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Chủ động các biện pháp
Từ những ngày đầu, Bộ Y tế đã vào cuộc kịp thời với các cuộc họp khẩn liên tiếp để ứng phó với dịch. Ngay cả trưa 30 Tết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp cùng Bộ Y tế để chủ động phòng chống. Sau đó là những chuyến công tác, thị sát của Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo Bộ Y tế để chỉ đạo phòng chống dịch tại các địa bàn trọng điểm cũng như tại bệnh viện tiếp nhận ca mắc và nghi ngờ mắc nCoV.
Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp người Việt Nam mắc bệnh (riêng trường hợp đầu tiên người Trung Quốc điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã khỏi bệnh), Thủ tướng vẫn chủ trì họp ngày mồng 3 Tết và yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân và yêu cầu "chống dịch như chống giặc". Các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, phải bảo đảm tính mạng, sức khỏe của người dân, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa trường hợp tử vong.
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư.
Ngay sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Theo đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, không để dịch lây lan. Các bộ sẵn sàng phối hợp, thành lập bệnh viện dã chiến để chủ động ứng phó, sẵn sàng trong mọi tình huống, kể cả tình huống xấu nhất. Bộ GTVT tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc và ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch đến Việt Nam.
Thủ tướng đã cử Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; thành lập 40 Đội phản ứng nhanh trên toàn quốc để giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách phòng, chống dịch.
Theo kịch bản hiện nay, tình huống dịch nCoV ở Việt Nam đang ở cấp độ 1 là có ca bệnh xâm nhập. Ngành y tế đã rất sẵn sàng với cấp độ 2 là có ca bệnh lây nhiễm tại chỗ và đã có phương án để ứng phó với cấp độ 3 theo quy chuẩn ASEAN là có trên 20 ca nhiễm bệnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế tiếp tục triển khai theo kịch bản này nhưng chi tiết hơn nữa, và tính đến tình huống xấu hơn là có hàng ngàn người bị nhiễm.
Kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch
Bộ Y tế đã kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều trị. Đặc biệt, ngành y tế đã tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu. Các cơ sở y tế, sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân, phòng chống lây chéo trong tại bệnh viện và lây nhiễm từ người bệnh sang nhân viên y tế.
Những nỗ lực của ngành y tế rất đáng ghi nhận, những ca bệnh nghi ngờ được chuyển đến các BV Nhiệt đới T.Ư, Nhi T.Ư, Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cũng như nhiều bệnh viện tuyến dưới tại Hải Dương, Thanh Hóa, Đà Nẵng… ngay lập tức được cách ly và xử lý theo tình huống có dịch. Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2020, cả hệ thống y tế các tuyến đều trực dịch 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Sự vào cuộc kịp thời, phản ứng nhanh của ngành y tế đã khiến dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Đến thời điểm này, cả nước chưa ghi nhận trường hợp người Việt Nam nào mắc bệnh, chưa ghi nhận sự lây lan (dù đã có 2 ca mắc điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh). Ngày 29/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định khen thưởng các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vì đã nỗ lực cấp cứu và điều trị thành công cho bệnh nhân người Trung Quốc mắc viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV.
Cùng với Bộ Y tế, các bộ, ngành vào cuộc rất quyết liệt. Bộ LĐTB&XH đang rà soát để nắm rõ số lao động Việt Nam tại các huyện, xã vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc thường xuyên sang làm việc tại Trung Quốc để có biện pháp tuyên truyền kịp thời, khuyến cáo cho người lao động tránh đi vào vùng có dịch.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã họp triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc và công bố quyết định thành lập Tổ công tác tiền phương chỉ đạo chống dịch. Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng lưu ý công dân Việt Nam không nên đến các khu vực đang có dịch viêm phổi cấp và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng Trung Quốc và WHO đã khuyến cáo.
Việt Nam đã hủy toàn bộ chuyến bay đến "tâm dịch" nCoV ở Vũ Hán. Theo đó, hủy toàn bộ các phép bay đã cấp và không cấp phép bay mới cho các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài khai thác các chuyến bay thường lệ, không thường lệ giữa các điểm tại Việt Nam và TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đặt máy đo thân nhiệt tại các cảng hàng không quốc tế để theo dõi, phát hiện, cách ly, quản lý chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Theo đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, không để dịch lây lan. Các bộ sẵn sàng phối hợp, thành lập bệnh viện dã chiến để chủ động ứng phó, sẵn sàng trong mọi tình huống, kể cả tình huống xấu nhất. Bộ GTVT tạm thời ngừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đến vùng có dịch của Trung Quốc và ngừng tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch đến Việt Nam.


Bộ GD&ĐT đã có công điện gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu phối hợp với ngành y tế phòng chống dịch bệnh nCoV, không để dịch bệnh lây lan trong trường học.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần