Ung thư cổ tử cung - mối đe dọa sức khỏe phụ nữ

Hà Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/11, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức hội thảo phổ biến kế hoạch hành động quốc gia về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung (UTCTC) tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025.

Theo nhận định của các chuyên gia, UTCTC hiện đang là mối đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe của phụ nữ.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
PGS.TS Ngô Văn Toàn - Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, UTCTC là loại ung thư gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Mỗi năm có hơn 5.100 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh UTCTC và khoảng 2.400 người chết. Năm 2014, Việt Nam có trên 35 triệu em gái và phụ nữ từ 15 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh UTCTC. Tại Hà Nội, tỷ lệ mắc UTCTC là 6,5/100.000 phụ nữ, trong khi đó ở TP Hồ Chí Minh tỉ lệ mắc khá cao 26/100.000 phụ nữ.
Hai nguyên nhân lớn gây ung thư cổ tử cung là hút thuốc lá và quan hệ tình dục sớm. Ngoài ra, quan hệ tình dục với nhiều người, sử dụng thuốc tránh thai kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời UTCTC đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cứu mạng sống của người phụ nữ và cải thiện sức khỏe của họ một cách toàn diện. Ngoài ra, việc phát hiện và điều trị sớm UTCTC còn có những quan hệ tích cực tới việc thực hiện các mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, giáo dục và bình đẳng giới.
Do vậy, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tất cả phụ nữ nên phòng ngừa và sàng lọc UTCTC chứ không chỉ nhóm trên 29 tuổi như trước đây. Bên cạnh đó, tiêm vaccine ngừa HPV là cách phòng ngừa chủ động rất hữu hiệu để phòng nhiễm các chủng virus HPV gây ung thư phổ biến nhất. Trong đó, chú trọng nhóm các em gái từ 9 đến 13 tuổi.
Bà Astrid Bant - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam chia sẻ, tất cả phụ nữ đều có quyền được sàng lọc UTCTC. UNFPA và các đối tác phát triển cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tư vấn chính sách và hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp Việt Nam tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc xây dựng các chính sách và luật pháp trong đó tôn trọng và đảm bảo quyền cho mọi người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cũng khẳng định, với sự hỗ trợ của UNFPA, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động quốc gia về dự phòng và kiểm soát UTCTC giai đoạn 2016 - 2015. Kế hoạch hành động đưa ra những phương hướng, giải pháp và hoạt động chính để thực hiện có hiệu quả việc phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị kịp thời UTCTC tại Việt Nam.