Ứng xử có văn hóa với Hồ Gươm

Hoàng Cường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 30/1 là hạn cuối để tháo dỡ đồng hồ đếm ngược tại đền Bà Kiệu. Sự tồn tại của công trình hơn 10 năm qua có những sứ mệnh riêng, nhưng rõ ràng không hẳn đúng với không gian lịch sử trầm mặc của di tích quốc gia đặc biệt Hồ Gươm. Hồ Gươm cần những ứng xử có văn hóa không chỉ ở chiếc đồng hồ đếm ngược.

Di sản Hồ Gươm luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của mọi người. Chính vì vậy, mọi động thái liên quan đến Hồ Gươm đều khiến người dân dễ đồng tình nếu thuận và có thể “dậy sóng” nếu phản cảm. Cách đây 2 năm, những bông hoa được người dân gọi là hoa rau muống “khổng lồ” mọc lên ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cho dù có hiện đại, rực rỡ; cơ quan quản lý cũng phải âm thầm tháo dỡ vì kệch cỡm với không gian cổ kính của Hồ Gươm. Rồi ý tưởng đặt biểu tượng rùa vàng bên Hồ Gươm, hay mô hình King Kông để quảng bá du lịch cũng bị ngăn chặn ngay từ khi còn “trong trứng nước”. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, bất kỳ sự phô trương nào cũng không hợp với Hồ Gươm, nên khi những sự việc kia bắt đầu hình thành, từ nhà nghiên cứu văn hóa, quy hoạch, kiến trúc đến người dân đều phản đối.
 Sau yêu cầu tháo dỡ, màn hình tạm thời ngừng hoạt động.  Ảnh Phạm Quý.JPG
10 năm trước, chiếc đồng hồ đếm ngược được dựng lên để thực hiện sứ mệnh đếm ngược tới ngày Hà Nội đón chào Đại lễ lễ kỷ niệm 1.000 năm tuổi. Nhiều người vui vì ý tưởng ý nghĩa này, nhất là chiếc đồng hồ được làm cách điệu theo hình dáng Khuê Văn Các, đặt được ở nơi nhiều người có thể nhìn rõ nhất. Thế nhưng, việc dựng chiếc đồng hồ được sử dụng 100% nguồn vốn xã hội hóa, nên dù đã qua năm 2010 – dấu mốc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đến 7 năm, công trình vẫn sững sững bên cạnh đền Bà Kiệu, trong quần thể di tích Hồ Gươm. Chiếc đồng hồ được dành một thời lượng không nhỏ phát sóng cho mục đích hoạt động quảng cáo thương mại, lấy thu bù chi. Rõ ràng với vị trí tồn tại, chiếc đồng hồ đã chiếm vị trí “vàng” của quảng cáo, trong khu vực “cấm” quảng cáo của Hà Nội. Bởi thế sau khi hết thời hạn 10 năm hoạt động, DN làm thủ tục xin tiếp tục vận hành màn hình led này đến năm 2030. Và cho dù DN dẫn giải dành phần lớn thời lượng phục vụ cho mục đích tuyên truyền chủ trương chính sách của TP, thì UBND TP Hà Nội vẫn kiên quyết yêu cầu tháo dỡ. Bởi khi nhiệm vụ chính là đếm ngược không còn, thì không thể để chiếc đồng hồ ấy tiếp tục vi phạm Luật Di sản văn hóa. Và hiện nay, không chỉ có chiếc đồng hồ đếm ngược, mà quán cà phê phía sau đền Bà Kiệu cũng tồn tại không đúng chỗ.

Với Hồ Gươm mọi sự xuất hiện phải luôn bắt nhịp. Ngay cả bức tượng đài “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” ở khu vực đền Bà Kiệu có từ nhiều năm nay, mang rất nhiều ý nghĩa, nhưng khi nhìn nhận tổng thể không gian Hồ Gươm, người ta vẫn tiếc nuối, giá mà nó mềm mại trong những đường bay, lát cắt, hay nhỏ nhắn hơn và tinh tế hơn thì sẽ hợp hơn với cảnh quan chung của một môi trường cần sự trầm mặc, trang nghiêm của di tích.

Trong quần thể kiến trúc quanh hồ, khu vực đền Bà Kiệu gắn với một dải xanh kéo dài, kết nối không gian hồ xuống khu phố Pháp. Trong quá khứ, nơi đặt “đồng hồ đếm ngược” từng là vị trí của một quán nhỏ, bán hoa tươi tại góc đường. Như so sánh của các chuyên gia, nếu phía Bắc của Hồ Gươm có quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và đài phun nước làm “Âu hóa” không gian phố cổ đậm chất phương Đông, thì thảm cỏ, công viên và quán hoa tươi lại làm mềm không gian của khu phố Pháp đậm chất phương Tây với những tuyến đường thẳng, vỉa hè rộng được bố trí theo kiểu bàn cờ. Bởi thế ngoài vấn đề giải quyết “biển quảng cáo” tại Hồ Gươm, việc xóa bỏ chiếc đồng hồ đếm ngược của Hà Nội còn mang đến điều tích cực khác đó là trả cho Hồ Gươm không gian văn hóa vốn có của nó.