Ứng xử trên mạng xã hội qua góc nhìn biếm họa

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 400 tác phẩm dự Giải biếm họa báo chí Việt Nam - cúp Rồng tre lần thứ V có tới trên 30% số tranh dự thi chọn đề tài văn hóa ứng xử trên mạng. Những câu chuyện như: "Khi đời tư cũng thành món ăn nhanh" trên mạng xã hội, "Lịch chăm mẹ ốm" rồi “tự sướng” lên facebook để nhận like và chia sẻ… đã được phóng đại hóa qua biếm họa.

 Tranh “Nhào dzo” của họa sĩ Hữu Lộc.
Xem biếm họa mà không thể cười

Những câu chuyện câu like, chửi bới nhau hay “ném đá” người khác trên facebook đã thành trào lưu; câu chuyện tin đồn trên mạng xã hội đang “truy sát” các nạn nhân bất hạnh… Họa sĩ Hữu Lộc khái quát những câu chuyện đó bằng bức tranh: “Khi đời tư cũng thành món ăn nhanh”. Còn họa sĩ trẻ Nguyễn Đức Trí lại lật tẩy hai phần thật - ảo của cuộc sống bây giờ bằng bức tranh: “Lịch chăm mẹ ốm”. Mẹ ốm không chăm, người con chơi facebook nhưng trên mạng ảo lại đóng vai một người con hiếu thảo với status: “Mẹ chóng lành bệnh nhé” để nhận vô số like, love (biểu tượng trái tim) và rồi “tự sướng” với vai diễn đó của mình. “Cuộc sống hiện đại như đang chia làm 2 phần rõ rệt: Thật và ảo, trong đó phần ảo lại thật hơn, người ta nói chuyện, giao tiếp, kết bạn, làm việc… thậm chí cười với nhau, hay giết nhau trên mạng” - họa sĩ Lê Đức Hùng (Hùng Dingo) chia sẻ.
Hiện mỗi ngày có đến hơn 68% số trẻ sử dụng facebook bất cứ lúc nào khi rảnh và sử dụng mỗi ngày. Địa điểm sử dụng facebook chủ yếu là ở nhà. Nhưng đáng chú ý, có gần 3% trẻ sử dụng facebook trong lúc di chuyển...

Thủ pháp của biếm họa dĩ nhiên có sự phóng đại nhưng qua các con số thống kê vào năm nay, có thể thấy rằng, biếm họa đang cung cấp một bức tranh rất thực tế về sự “phát tác” của mạng xã hội. Việt Nam xếp ở vị trí thứ 7 thế giới với 58 triệu người dùng facebook, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. TP Hà Nội cũng nằm trong top 6 TP có người dùng facebook đông nhất. Theo khảo sát của Bộ GD&ĐT, có đến hơn 97% trong số 424 học sinh 15 - 18 tuổi đang sử dụng facebook. Gần đây đã liên tiếp xuất hiện nhiều vụ học sinh nghiện facebook quá nặng phải cưỡng chế nhập viện...

Những cảnh báo của biếm họa đó có thể không mới nhưng có sức phản tỉnh rất mạnh mẽ. Đặc biệt là ở góc độ ứng xử văn hóa mạng trên xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến hành vi ứng xử đời thực của con người với con người. Để rồi sau khi chấm giải, 7 vị giám khảo giải biếm họa báo chí lần này có chung nhận xét: “Chúng tôi không hề cười trong suốt quá trình chấm giải. Bởi vì nội dung của biếm họa hầu hết xoáy sâu vào những chuyện khiến dư luận từng bức xúc hoặc còn nguyên tính thời sự, trong đó tập trung nhiều nhất vấn đề ứng xử văn hóa trên mạng xã hội” – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, thành viên Ban giám khảo cho biết.

Báo động về văn hóa ứng xử

Trong số 400 tác phẩm tham dự giải năm nay tập trung vào chủ đề “Ứng xử văn hóa, xã hội văn minh” không chỉ nhấn mạnh vào văn hóa ứng xử trên mạng xã hội mà còn là văn hóa ứng xử nơi công cộng hay văn hóa ứng xử nơi cơ quan, công sở. Thông qua các tác phẩm dự thi, các tác giả sử dụng sức mạnh của biếm họa để phê phán những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa ứng xử; cổ vũ những hành động văn hóa, văn minh; bày tỏ mong muốn về một môi trường xã hội (cả thực và ảo) thực sự văn minh trong ứng xử.

“Tranh biếm họa luôn có một vị trí quan trọng trong đời sống hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung. Ở Mỹ, trong giải thưởng danh giá về văn học, người ta dành một hạng mục riêng cho các bức biếm họa minh họa cho tác phẩm, để thấy biếm họa vẫn có một giá trị riêng chưa thể thay thế. Giai đoạn đầu chấm giải, các thành viên Ban giám khảo cho rằng sẽ khó chọn tác phẩm đạt giải nhưng càng đi sâu thì để tài tưởng khó “nhằn” - “Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh” lại cho ra đời nhiều bức tranh sắc nét” - họa sĩ Lý Trực Dũng, thành viên Ban giám khảo nhận xét.