Ứng xử với di sản không danh hiệu

Mộc Miên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tranh cãi xung quanh việc giữ hay phá dỡ nhà thờ Bùi Chu (Nam Định) - một công trình kiến trúc di sản đã hình thành hơn 100 năm lại một lần nữa khiến các chuyên gia văn hóa lại tranh luận nảy lửa. Không chỉ có ở Nam Định, mà ở Hà Nội hay nhiều TP lớn trên cả nước đều vướng phải những mâu thuẫn bảo tồn với các công trình di sản “không danh hiệu” - chưa được xếp hạng di tích.

 Nhà thờ Bùi Chu (Nam Định). Ảnh: Giang Huy
Sau khi các nhà lãnh đạo giáo phận Bùi Chu đưa ra công bố hoãn hạ giải nhà thờ, những vướng mắc về việc bảo tồn công trình này vẫn còn đó. Một mặt, nhiều chuyên gia văn hóa và kiến trúc kêu gọi giữ nguyên tính toàn vẹn của công trình. Mặc khác, nhu cầu thực hành nghi lễ của giáo dân đang đòi hỏi phải có cuộc trùng tu cấp thiết. Phía bảo tồn nguyên trạng có phần thắng thế, nếu không có sự lên tiếng của Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft. Đối với một công trình chưa được công nhận di sản cấp quốc gia hoặc được UNESCO công nhận, thì hiếm khi phía đại diện UNESCO lên tiếng. Nhưng với trường hợp đặc biệt của Bùi Chu, ông Michael Croft cho rằng: Các quyết định được đưa ra có sự điều chỉnh để đảm bảo hài hòa các yếu tố như sự an toàn của giáo dân, quyền được hành lễ và bảo tồn di sản. Tuy nhiên, truyền thông và mạng xã hội khi bàn luận về vấn đề này lại ít nói tới yếu tố quan trọng hàng đầu là an toàn của giáo dân và quyền thực hành tín ngưỡng của họ. Chính vì vậy, theo ông Michael Croft, không nhất thiết phải bảo tồn nguyên trạng nhà thờ Bùi Chu, bảo tồn di sản phải quan tâm đến cả yếu tố vật thể và phi vật thể. Cụ thể ở đây một bên là công trình hiện hữu và nhu cầu thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với cộng đồng địa phương. Hơn nữa, nhà thờ đã được xây dựng từ năm 1884, trong bối cảnh kinh tế, xã hội Việt Nam còn lạc hậu nên khó có thể đặt mục đích công trình sẽ trường tồn mãi theo thời gian. Với việc bày tỏ quan điểm của Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft sẽ có yếu tố ảnh hưởng đến các quyết định bảo tồn nhà thờ Bùi Chu của giáo hội Bùi Chu và các cơ quan quản lý.

Thực tế, trước đây đã có hàng loạt vụ việc, cũng chỉ vì ba chữ “không danh hiệu” mà bị phá bỏ hoặc trước nguy cơ bị phá bỏ. Hẳn nhiều người còn nhớ cách đây mấy năm, từng có dự án đề xuất dỡ cầu Long Biên - có lịch sử hơn một thế kỷ, gắn với một phần ký ức của Hà Nội, đặt xuống bãi giữa sông Hồng để trưng bày. Hay như chuyện di sản kiến trúc đô thị - trường Đại học Dược ở phố Lê Thánh Tông do KTS nổi tiếng Ernest Hébrard thiết kế, vì không có danh hiệu nên cũng bị xâm hại nghiêm trọng. Phần khuôn viên - vốn là nơi tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Ðông Dương đã bị phá bỏ hoàn toàn khi một phòng thí nghiệm được xây trong sân hồi đầu năm 2013. Một thí dụ khác cũng điển hình không kém là di tích Vườn Chuối thuộc huyện Hoài Ðức (Hà Nội) - một trong rất ít di chỉ có niên đại hàng nghìn năm từ thời tiền Ðông Sơn đến Ðông Sơn đang đứng trước nguy cơ biến mất bởi một dự án xây dựng khu đô thị mới.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, rất nhiều công trình có từ thế kỷ XVI - XVII bị phá đi, làm cái mới to hơn để đáp ứng nhu cầu người dân nhưng Nhà nước không thể áp đặt là di tích văn hóa. Nguyên do cũng bởi người dân không đăng ký bởi họ biết đăng ký sẽ bị ràng buộc. Trong khi, cũng đã có những di tích sau khi khoác áo “danh hiệu” thì lại gặp khó khăn trong vấn đề trùng tu, sửa chữa và chịu nhiều ràng buộc từ Luật Di sản. Nhà thờ họ Nguyễn Khả Trạc ở quận Cầu Giấy xin nâng nền di tích không được chấp nhận hoặc nhiều người dân Ðường Lâm ở thị xã Sơn Tây của Hà Nội... xin trả danh hiệu di tích quốc gia là những thí dụ điển hình. Câu chuyện quản lý, bảo tồn di tích đòi hỏi cách ứng xử thận trọng, linh hoạt. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, cần tạo ra cơ chế dân chủ, tạo ra những cuộc đối thoại giữa chủ sở hữu di sản với cơ quan chính quyền. Có thế, mới tránh được những mâu thuẫn tồn đọng chưa được giải quyết giữa chủ thể văn hóa và công tác bảo tồn di tích kéo dài trong những năm qua.