Ưu đãi cho sinh viên sư phạm: Nên đi vào thực chất

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất bỏ chế độ miễn học phí cho sinh viên (SV) sư phạm và thay bằng chính sách tín dụng sinh viên của Bộ GD&ĐT được nhiều người đồng tình. Nhưng đi kèm với đó phải là đảm bảo “đầu ra” sẽ thu hút được học sinh khá, giỏi vào học nhóm ngành đào tạo giáo viên.

 Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Công Hùng
Không thể bao cấp tràn lan
Không thể phủ nhận, chính sách miễn học phí cho SV sư phạm trong những năm qua đã giúp nhiều học sinh kinh tế khó khăn học khá, giỏi được vào sư phạm. Nhưng tới thời điểm này, chính sách này không còn phát huy tác dụng như trước. TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội lý giải: Hiện nay, đời sống của người dân khá hơn, thị trường lao động việc làm đa dạng, việc chọn ngành không chỉ bó hẹp trong một số ngành sư phạm.
Thực tế, đã có tình trạng, nhiều SV sư phạm được miễn học phí nhưng học hành chểnh mảng, ra trường đi làm công việc khác, nhất là SV ngành sư phạm ngoại ngữ. Vì thế, TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất thay ưu đãi miễn học phí cho SV sư phạm bằng vay vốn tín dụng với mức lãi suất thấp. Khi ra trường, nếu đi dạy học sẽ được Nhà nước hoàn trả học phí, coi như chính sách ưu tiên. Trong quá trình học, những SV học lực giỏi sẽ được tặng học bổng có giá trị lớn.

Với chính sách miễn học phí cho SV sư phạm, nhiều người cho rằng, không mang ý nghĩa nhiều. Thực tế, số tiền được miễn mỗi năm học chừng 8 triệu đồng, nhiều SV không coi đó là sự động viên, thậm chí thụ động trong việc học hành, coi việc mình đi học là để cho người khác. Thậm chí, nhiều bạn đã học đến năm cuối nhưng chưa có dự tính tìm việc ở đâu. Vì vậy, nên hủy bỏ chính sách miễn học phí bởi lãng phí tiền của Nhà nước.

Quan trọng là giải quyết “đầu ra”

Miễn học phí cho SV sư phạm hay cho vay tín dụng sau khi ra trường sẽ được hoàn trả nếu làm đúng ngành mới chỉ là chính sách đầu vào để thu hút người có năng lực khá, giỏi vào trường sư phạm. Theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng nhất chính là giải quyết bài toán “đầu ra” cho sinh viên sư phạm. Khi giải quyết được vấn đề này, học sinh giỏi sẽ mặn mà vào ngành sư phạm, dù phải đóng học phí.
Theo quan điểm của TS Lê Đông Phương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nếu địa phương thiếu giáo viên, cần ước tính số lượng và cử tuyển học sinh giỏi đi học. Khi những học sinh này được cử đi học, nghĩa là đã trở thành viên chức của tỉnh, TP, ra trường sẽ được phân công đứng lớp. “Còn giờ đây, sinh viên sư phạm phải đóng học phí nhưng không được cam kết công việc làm trong tương lai, sẽ không mấy ai muốn theo sư phạm”- ông Phương nói.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - cựu Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, khi lương giáo viên tăng, người giỏi sẽ tự đăng ký vào ngành sư phạm cho dù phải đóng học phí cao. Còn nếu được bao cấp học phí, nhưng học xong lại đi làm nghề khác thì Nhà nước lỗ vốn. “Nhà nước không cần miễn giảm học phí, nhưng gắn vào đó là lương cao. Cộng với việc nhà giáo được Đảng và Nhà nước tôn vinh, Nhân dân coi trọng, đi làm nuôi sống được gia đình thì cho dù đóng học phí cao, người học ngành sư phạm cũng chấp nhận” - ông Vỳ bày tỏ.

Để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như bảo vệ đội ngũ nhà giáo, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị trong đề án cải cách tiền lương tới đây, lương nhà giáo cần được xem xét nâng lên. Ông Nhạ cũng giữ quan điểm nâng lương cho giáo viên chính là đầu tư cho giáo dục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần