Ưu tiên đầu tư dự án dân sinh cấp thiết vùng dân tộc

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/7, Ban Dân tộc TP Hà Nội tổ chức hội nghị Sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.

Những năm qua, công tác dân tộc nhận được sự quan tâm lớn của T.Ư, TP, được cụ thể hóa thông qua nhiều chính sách dân tộc. Với đặc thù vùng Thủ đô, Hà Nội cũng đã xây dựng và triển khai một số chính sách riêng nhằm phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc. Đó là Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi số 166 (giai đoạn 2011 - 2015) và số 138 (giai đoạn 2016 - 2020).
 Toàn cảnh hội nghị Ban Dân tộc TP Hà Nội sáng 20/7
Với khoảng 1.236 tỷ đồng được TP đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2015, diện mạo vùng dân tộc và miền núi của Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hạ tầng được nâng cấp ngày một đồng bộ. Đời sống người dân không ngừng được nâng cao. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi đã giảm còn khoảng 5%...

Theo Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh, trong bối cảnh ngân sách có hạn, tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 138, TP đã cố gắng phân bổ khoảng 1.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2016 - 2020. Trong năm 2016, nguồn vốn phân bổ cho đầu tư đã vào khoảng 400 tỷ đồng. Năm 2017, kinh phí được bố trí cũng chỉ khoảng 100 tỷ đồng. So với nguồn lực cần thiết (khoảng 2.324 tỷ đồng), nguồn vốn này mới chỉ đáp ứng được phần nào.

Do đó, lãnh đạo Ban Dân tộc TP Hà Nội đề nghị các địa phương, trong quá trình đề xuất hỗ trợ vốn phục vụ nâng cấp hạ tầng, cần ưu tiên lựa chọn những dự án dân sinh cấp thiết, nhất là các dự án có ý nghĩa trực tiếp đối với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho đồng bào.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, việc thực hiện các chính sách dân tộc tiếp tục được Ban Dân tộc TP Hà Nội triển khai tương đối hiệu quả. Thực hiện Quyết định số 54 của Thủ tướng Chính phủ, đã có hàng trăm hộ thuộc 3 huyện vùng dân tộc là Ba Vì, Mỹ ĐỨc, Quốc Oai được vay tổng vốn phát triển sản xuất khoảng 13 tỷ đồng. Tổ chức tập huấn cho 154 người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Tham mưu TP trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất danh mục những thôn, xã đặc biệt khó khăn, khu vực III, khu vực II. Khu vực I.

Đến nay, Hà Nội đã không còn thôn xã đặc biệt khó khăn, Khu vực III; chỉ còn 10 xã thuộc Khu vực II và 4 xã thuộc Khu vực I. Phối hợp với Sở VH-TT tổ chức Hội thi thể thao dân tộc thiếu số các xã dân tộc miền núi. 6 lớp tập huấn công tác dân tộc và phổ biến chính sách pháp luật… 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần