Dự kiến, kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV chỉ diễn ra trong 19 ngày làm việc, bằng già nửa so với các kỳ họp trước. Do vậy, đó là những ngày chương trình nghị sự chất chồng các đầu việc. Tại kỳ họp ngắn nhất trong nhiều năm qua, Quốc hội sẽ thông qua 8 luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Hình thức chất vấn trực tiếp được cải tiến. |
Như thường lệ, trước khi khai mạc, các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại phiên trù bị, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày báo cáo về công tác nhân sự.
Tiếp đó, Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp trước khi được thông qua. Ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của UB Kinh tế đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.
|
Hình ảnh tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. |
Trong báo cáo nêu rõ, bên cạnh việc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2018 là hết sức tích cực. Tuy nhiên, đây mới là bước đầu, nhiệm vụ đến cuối năm còn hết sức nặng nề, “tuyệt đối không được hài lòng với những thành công bước đầu”. Bởi, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 dự báo có xu hướng giảm dần theo các quý với tốc độ tăng trưởng của quý I cao nhất do mức nền tăng trưởng GDP năm 2017 đã ở mức cao.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiếp tục có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Theo đó, Quốc hội sẽ dành 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với những cải tiến, đổi mới. Cụ thể, thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là 1 phút và sau khi 3 đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi. Người bị chất vấn phải trả lời ngay, thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút. Việc cải tiến, đổi mới này được áp dụng thí điểm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội. Kỳ họp này tiếp tục tăng cường hơn nữa việc phát trực tiếp các nội dung của kỳ họp trên truyền hình; đồng thời, bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp một số nội dung thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi; quyết toán ngân sách Nhà nước… |
Cụ thể, Chính phủ phân tích, ngành khai khoáng có thể tiếp tục giảm do sản lượng khai thác giảm, đặc biệt là sản lượng dầu thô, dự kiến giảm 2 triệu tấn so với năm 2017. Kết hợp với dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp, khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển có khả năng gặp khó khăn do đã trải qua đỉnh tăng trưởng của năm 2017. Thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng trong khối ASEAN giảm;...có khả năng tác động giảm tăng trưởng trong năm 2018.
Động lực tăng trưởng chủ yếu, có khả năng tạo bứt phá, là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trở thành kỳ vọng chính đem lại kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế, Chính phủ nhìn nhận.
Trong khi đó, lạm phát được dự báo chịu nhiều sức ép do diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới và thách thức từ các chính sách điều chỉnh giá sắp thực thi như: tăng lương, tăng giá điện, điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh…
Trước những thách thức đặt ra, UB Kinh tế của Quốc hội – cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ đề nghị cơ quan điều hành triển khai các giải pháp mạnh để tập trung giải quyết các yếu kém được nhận diện từ quá trình điều hành kinh tế-xã hội năm 2017. Đồng thời, cần quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
|
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018. |
UB Kinh tế cũng đề nghị cơ quan điều hành tiếp tục cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung cắt giảm các thủ tục hành chính thực chất, mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, xuất nhập khẩu, giao thông.
Cùng với đó, UB Kinh tế hối thúc việc công khai, minh bạch quy trình, thủ tục và xử lý các sai phạm, loại bỏ các chi phí không chính thức, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh”.
Cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ cũng lưu ý, trên cơ sở kết quả giám sát của Quốc hội, cần tạo sự chuyển biến thực chất về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DN nhà nước, đẩy nhanh việc cơ cấu lại khu vực này và xử lý các DN nhà nước thua lỗ, có dấu hiệu mất an toàn. Xử lý nghiêm lãnh đạo các DN nhà nước vi phạm quy định về công bố thông tin, tài chính, kế toán.
UB Kinh tế của Quốc Hội đề nghị, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường giám sát hoặc tổ chức kịp thời các phiên giải trình đối với những vấn đề “nóng” gây bức xúc đối với cử tri. Thực hiện tốt, bảo đảm thực chất việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ.
Dự kiến, buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. |