Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng tại phiên họp thứ 47

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 47 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phiên họp dự kiến diễn ra trong 3 ngày (10/8 - 12/8), giữa bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát với những diễn biến phức tạp hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc
Không tổ chức chất vấn, ưu tiên công tác phòng, chống dịch Covid-19
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cư trú (sửa đổi); Cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Biên phòng Việt Nam; Cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội; Xem xét dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi);
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030; Cho ý kiến về Báo cáo kết quả 03 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sau khi cân nhắc nhiều vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không tổ chức chất vấn tại Phiên họp thứ 47 để đảm bảo các Bộ trưởng, các cơ quan tập trung cao cho nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Dự kiến chương trình Phiên họp đã được gửi tới các đại biểu và cơ quan hữu quan với sự thống nhất cao.
Nhấn mạnh, Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kéo dài 3 ngày, với nhiều nội dung rất quan trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc, tích cực nghiên cứu tài liệu và cho ý kiến sâu sắc về các nội dung.
Cân nhắc thời điểm bỏ sổ hộ khẩu
Ngay sau phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cư trú (sửa đổi).
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật cư trú (sửa đổi). Theo đó, có 4 nội dung lớn được đưa ra xin ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đó là: Về giải thích từ ngữ liên quan đến cư trú (Điều 2); Về điều kiện đăng ký thường trú (Điều 21); Về xóa đăng ký thường trú (Điều 25) và xóa đăng ký tạm trú (Điều 30); Về thời điểm có hiệu lực của Luật và quy định chuyển tiếp (Điều 39 và Điều 40).
Thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau của của Dự án luật, nhiều đại biểu đánh giá cao cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý nhiều nội dung đại biểu cho ý kiến tại Kỳ họp 9.
Phát biểu kết luận nội dung cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Cư trú (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã nghiêm túc thiếp thu, chỉnh lý dự án luật. 
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Cư trú (sửa đổi)
Về 4 vấn đề nêu trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Thường vụ thống nhất về nội dung giải thích từ ngữ, quy định tại Điều 2 của dự thảo Luật. Cụ thể:
Về điều kiện đăng ký thường trú, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với dự thảo Luật. Trong đó, dự thảo Luật có giao Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định diện tích chỗ ở hợp pháp tối thiểu được đăng ký thường trú. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, vì hiện nay Hội đồng nhân dân ở các địa phương khác nhau lại có quy định khác nhau, có thể là rào cản mới trong đăng ký thường trú. Tuy nhiên, theo giải trình của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đây là quy định diện tích tối thiểu nhà ở đối với nhà cho thuê, nhà được mượn thì bắt buộc cần có diện tích tối thiểu.
Về xóa đăng ký thường trú và xóa đăng ký tạm trú, các đại biểu nhất trí với quy định trong dự thảo luật tuy nhiên cần quy định cụ thể hơn điều kiện xóa thường trú, tạm trú, nhằm đảm bảo yêu cầu đăng ký nhưng cũng đề cao trách nhiệm của công dân.
Về thời điểm có hiệu lực pháp luật và quy định chuyển tiếp là vấn đề có ý kiến khác nhau giữa thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng nếu quy định hiệu lực luật này là 1/7/2021 nhưng thời điểm chuyển tiếp là 31/12/2025, tức là sau 5 năm thì mới bỏ việc sử dụng sổ hộ khẩu, tạm trú, quy định như vậy lại không phù hợp. Vì thực tế hiện nay chỉ thay phương thức quản lý bằng phương pháp thô sơ (sổ hộ khẩu, sổ tạm trú) chuyển sang phương pháp mới (số định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu dân cư về cư trú). Mục tiêu cuối cùng là giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, nếu kéo dài thời gian chuyển tiếp thì không phù hợp.
Vấn đề đặt ra là Chính phủ, Bộ Công an, chính quyền địa phương các cấp cần có các biện pháp chỉ đạo, tổ chức quyết liệt để xây dựng số định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu dân cư; đồng thời đẩy nhanh việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực thực hiện nhiệm vụ này.
Chính phủ và Bộ Công an cũng cần xây dựng dự toán kinh phí ngân sách dành cho lĩnh vực này, trình Quốc hội vào cuối năm 2020 để sang năm 2021 có kinh phí để triển khai, nhằm sớm đạt được mục tiêu đề ra.
Nâng mức phạt tiền tối đa để bảo đảm tính răn đe
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết báo cáo một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, các vấn đề cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bổ sung một số quy định nhằm thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán nhà nước; về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực; thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện; bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy và biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý hành chính (trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính, về việc quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính).
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các vấn đề mà Ủy ban Pháp luật báo cáo.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc nâng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa cũng như yêu cầu quản lý nhà nước; đồng thời lưu ý các cơ quan trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung các Nghị định xử phạt vi phạm chính trong từng lĩnh vực thì có thể chia nhỏ hơn nữa các lĩnh vực, để tránh tình trạng nói lĩnh vực thì xử phạt rất cao nhưng trong từng lĩnh vực cụ thể thì có khi lại chưa hợp lý, chưa cụ thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với hướng quy định về thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của các chức danh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý bảo đảm sự nhất quán, thống nhất giữa luật này với Luật Phòng, chống ma túy.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết do còn nhiều ý kiến khác nhau về việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước nên sẽ đề nghị trình ra Quốc hội cả 2 phương án để Quốc hội thảo luận, các cơ quan còn tiếp tục thảo luận, nếu cần thiết thì lấy phiếu xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại thật kỹ để hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần