Ủy ban Tư pháp đề nghị Bộ Công an giải trình về 5 vụ việc xâm hại tình dục

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/4, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp thời gian tới.

Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy banTư pháp Lê Thị Nga đề nghị trao đổi về một số vụ án cụ thể, hành vi cụ thể để làm rõ các vấn đề nổi lên. Theo đó, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đã nêu ra những vụ việc tiêu biểu đang gây bức xúc dư luận liên tiếp nổ ra thời gian qua.
 Toàn cảnh phiên họp.
Về vụ án hiếp dâm bé gái 9 tuổi tại Hà Nội. Theo báo cáo của Bộ Công an, VKSND tối cao, ngày 24/2/2019, nghi phạm lừa chở cháu bé đến khu vực vườn chuối. Cháu bé đã phản ứng, la hét, dùng ngọn chuối đánh vào mặt nghi phạm để chống cự thì bị bịt miệng, bóp cổ, thực hiện hành vi đồi bại. Kết quả giám định ít ngày sau đó thể hiện cháu bé đã bị xâm hại, bị bạo hành. Đối tượng đã bị khởi tố về tội “dâm ô với người dưới 16 tuổi”, được huỷ bỏ biện pháp tạm giữ. Cuối tháng 3 vừa qua nhận quyết định thay đổi quyết định khởi tố sang tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và bị bắt tạm giam.
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp phân tích, việc cơ quan điều tra và VKSND cấp huyện chỉ khởi tối bị can về tội “dâm ô” như ban đầu khiến dư luận bức xúc. Theo nhóm nghiên cứu, việc khởi tố về tội danh nhẹ hơn, để bị can tại ngoại là thiếu nghiêm minh trong xử lý.
Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan điều tra, VKSND Hà Nội giải trình, việc khởi tố không đúng tội danh trong vụ án nêu trên do nguyên nhân gì?
Về vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh có hành vi ôm hôn, sàm sỡ bé gái trong thang máy của chung cư tại quận 4, TP Hồ Chí Minh, nhóm nghiên cứu đặt vấn đề, Điều 147 BLTTHS năm 2015 quy định trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, Cơ quan điều tra phải ra một trong ba quyết định: Quyết định khởi tố vụ án; Quyết định không khởi tố vụ án; Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tổ giác, tin báo. Nhưng thực tế, vụ việc đã xảy ra từ ngày 2/4/2019, có camera ghi lại hình ảnh mà đến nay đã là ngày 19/4/2019 vẫn chưa có quyết định của Cơ quan điều tra. Cử tri phản ánh giải quyết như vậy là chậm, trong khi vụ việc không phức tạp, không phải xác minh tại nhiều nơi. “Đề nghị Bộ Công an giải trình ý kiến cử tri nêu liên quan đến tiến độ giải quyết tố giác, tin báo vụ việc này”- nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp yêu cầu.
Vụ việc “cưỡng hôn” trong thang máy chung cư tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, đề cập việc Công an quận Thanh Xuân áp dụng điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định 167/2013NĐ-CP cùa Chính phủ xử phạt người vi phạm về hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác" với mức phạt là 200.000 đồng với đối tượng Đỗ Mạnh Hùng. Nhóm nghiên cứu cho biết, dư luận, cử tri cho rằng việc áp dụng điều khoản quy định trên để xác định mức phạt là khiên cưỡng, không chính xác vì hành vi dùng vũ lực, dùng tay giữ má nạn nhân để ép hôn trái ý muốn thực chất là hành vi xâm hại tình dục, xâm hại đến thân thể của nạn nhân, không phải là “cử chỉ”. Nhóm nghiên cứu đề nghị Bộ Công an giải trình về vấn đề này.
Nhóm nghiên cứu cũng dẫn vụ việc một giáo viên chủ nhiệm ở trường tiểu học tại Bắc Giang bị tố cáo có hành vi dâm ô 13 học sinh khi có hành vi sờ mông, sờ đùi, lưng một số học sinh nữ; dùng thước đánh vào lưng một số học sinh nam, mà cơ quan điều tra đề nghị không xử lý giáo viên này. Các cơ quan cũng quyết định không khởi tố vụ án, khởi tố bị can mà sau khi dư luận phản ứng, Trưởng công an huyện chỉ phạt 3 triệu đồng với giáo viên về hành vi “xâm hại sức khỏe của người khác” theo điểm e, khoản 3, Điều 5 Nghị định 167. “Bộ Công an tiếp tục được đề nghị giải trình ý kiến cho rằng việc xử lý giáo viên chủ nhiệm về hành vi xâm hại sức khoẻ của người khác là chưa phản ánh đúng bản chất của hành vi nêu trên. Có hay không khoảng trống của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành liên quan đến các hành vi xâm hại tình dục?”- Nhóm nghiên cứu đưa qua điểm.
Liên quan đến vụ án nữ sinh giao gà ở Điện Biên, các bị cáo bị khởi tố về một số tội, trong đó có tội hiếp dâm, theo Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Công an làm rõ thông tin nhiều cử tri cho rằng, với hiện trường vụ án (thi thể nạn nhân được phát hiện không có quần dài, có dấu hiệu bị xâm hại tình dục) mà sao không triển khai các biện pháp pháp luật quy định để xác định có hay không hành vi xâm hại tình dục, để sau đó lại phải khai quật tử thi mới quyết định khởi tố bổ sung tội “hiếp dâm”?
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Bộ Công an giải trình ý kiến của cử tri nêu trên; có hay không khoảng trống của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành liên quan đến các hành vi xâm hại tình dục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần