Vá lỗ hổng trong cách ly để ngăn Covid-19

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau liên tiếp các trường hợp mắc Covid-19 xuất hiện sau khi ra khỏi khu cách ly khiến Việt Nam bùng phát một đợt dịch mới, Bộ Y tế đã yêu cầu kéo dài thời gian cách ly tập trung và giám sát chặt việc tuân thủ quy định khi cách ly tại cộng đồng. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nêu ra 5 bài học kinh nghiệm để chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch hiện nay.

Cách ly tập trung 21 ngày

Theo các chuyên gia y tế, hiện không chỉ có Việt Nam mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đều quy định thời gian cách ly là 14 ngày đối với những người trở về từ vùng dịch. Điều này dựa trên cơ sở quá trình phát triển của virus trong cơ thể người, để bảo đảm tránh nguy cơ lây nhiễm tốt nhất.
 Khu vực cách ly Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: Chiến Công
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới trong thời gian qua với sự xuất hiện của những biến chủng mới của SARS-CoV-2, các nhà khoa học phải nghiên cứu, đánh giá lại thời gian ủ bệnh của Covid-19. Đảm bảo an toàn cho cộng đồng tránh được sự lây nhiễm SARS-CoV-2 từ những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh Covid-19, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia về dịch tễ học và virus học, Bộ Y tế quyết định sẽ kéo dài thời gian cách ly tập trung đối với những người có tiếp xúc gần với các ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 và các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam. Trước mắt thời gian cách ly tập trung đối với những trường hợp này sẽ kéo dài 21 ngày thay vì 14 ngày so với trước đây.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tập trung, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Các đơn vị bàn giao những người thực hiện xong cách ly cho các địa phương nơi họ sinh sống theo đúng quy định. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật các địa phương nhận bàn giao cần thực hiện triệt để việc giám sát, theo dõi y tế đối với những trường hợp này trong 7 ngày tiếp theo.

Trước đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã có Công điện hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước yêu thực hiện nghiêm các qui định về cách ly tập trung cũng như việc giám sát chặt người sau cách ly tại cộng đồng; đồng thời yêu cầu các tỉnh, thành phố chấn chỉnh việc tổ chức bàn giao, đưa đón và tiếp nhận người đã hoàn thành cách ly tập trung về nơi lưu trú theo quy định.

5 bài học trong phòng chống dịch hiện nay

Từ việc xuất hiện chùm ca bệnh trong BV và ca bệnh sau khi cách ly tập trung, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, có rất nhiều bài học kinh nghiệm cần rút ra. Đặc biệt là bài học liên quan môi trường cách ly, quản lý cách ly, lây nhiễm trong môi trường cách ly.

Thứ nhất, Bộ Y tế đã đánh giá, tìm hiểu lại nguyên nhân các trường hợp dương tính sau 14 ngày cách ly. Từ đó, Bộ Y tế đã quyết định nâng thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày, công bố chiều 5/5 và áp dụng ngay.

Thứ hai là bài học ở khâu bàn giao giữa cơ sở cách ly với các địa phương nơi cư trú. Hiện Bộ Y tế đã có hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai chặt chẽ khâu bàn giao này, cũng áp dụng ngay từ chiều 5/5.

Thứ ba, khâu theo dõi tại địa phương sau khi hết cách ly tập trung, tức cách ly tại nhà hoặc tại nơi cư trú. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm, giám sát và theo dõi sức khỏe người cách ly thêm 7 ngày sau khi cách ly tập trung.

Thứ tư, công tác xét nghiệm trong thời gian cách ly có thể còn bỏ lọt các mẫu dương tính. Bộ Y tế yêu cầu nâng tần suất xét nghiệm trong thời gian cách ly từ 2 - 3 lần lên 4 - 5 lần, đảm bảo an toàn tối đa, phòng lây nhiễm ra cộng đồng.

Thứ năm là khả năng lây nhiễm trong bệnh viện. Hiện đã xảy ra tình trạng lây nhiễm trong một số BV, và ổ dịch nghiêm trọng nhất là tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. BV là nơi phát hiện các trường hợp lây nhiễm nên khả năng lây nhiễm tại đây rất cao. Bộ yêu cầu tất cả BV phải sàng lọc kỹ lưỡng và liên tục đối với nhân viên y tế cũng như nhóm bệnh nhân nguy cơ cao. Bài học là cần triển khai tất cả biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo không có lây nhiễm trong các cơ sở y tế.