Vá lỗi điều chỉnh quy hoạch tùy tiện: Xác định tầm nhìn dài hơi

Gia Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/9, tại Hội nghị bất động sản IREC 2018, giới chuyên gia quốc tế thẳng thắn cho biết, ở các nước phát triển cũng không ít lần gặp phải những khó khăn về quy hoạch đô thị. Song, điểm khác biệt với Việt Nam là họ tháo gỡ điểm “vênh” giữa quy hoạch và thực tiễn bằng tầm nhìn dài hơi.

Mạnh ai nấy làm
Tại phiên tham luận “Quy hoạch đô thị - Con đường của tương lai” của Hội nghị bất động sản IREC 2018, giới quy hoạch xây dựng chỉ rõ hạn chế cố hữu tại các TP lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... chính ở vấn đề quy hoạch đô thị. Quản lý sử dụng đất đô thị đang mâu thuẫn với mục tiêu môi trường. Hạ tầng giao thông còn bất cập, phát triển chưa cân đối và đồng bộ với quy hoạch dân cư... Cụ thể, thiếu sự tích hợp các loại quy hoạch với quy hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, nhiều khu đất tại vị trí đắc địa mặc dù đã có chủ đầu tư nhưng vẫn để trống làm giảm hiệu quả sử dụng đất ở đô thị. Ngoài ra, không gian xanh, tiện ích công cộng, giao thông thiếu trầm trọng, chưa xứng tầm với quy mô của các đô thị lớn.
 Một góc TP Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Ông Remigio Ramirez – chuyên gia quy hoạch môi trường/đô thị Philippines chia sẻ: “Giống như Việt Nam, ở Philippines, vấn đề ùn tắc giao thông đang hết sức nan giải. Việc xây dựng đường sá, các khu cao ốc của chúng tôi vẫn chưa song hành với tốc độ đô thị hoá”. Vị chuyên gia này thẳng thắn, GDP của Philippines tăng nhanh, mức thu nhập bình quân đầu người vì thế cải thiện đáng kể, người dân sở hữu 1 - 2 xe hơi là bình thường. Điều này khiến cho bức tranh giao thông càng bí bách. Những thách thức đó đã phát sinh thêm nhiều câu hỏi hóc búa cần các nhà quy hoạch đô thị giải đáp. “Đường phố hiện nay có quá nhiều xe ô tô mà không thể mở rộng theo sự tăng trưởng của phương tiện cá nhân. Philippines đang nghiên cứu tính khả thi của tàu điện ngầm ở các địa phương khác nhau, đảm bảo không phát sinh thêm các khu ổ chuột” - ông Remigio Ramirez nhấn mạnh.

Quy hoạch đô thị bền vững

Quy hoạch là việc cụ thể hóa mục tiêu, định hướng phát triển của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc xác định tầm nhìn 100 năm để định hướng cho công tác quy hoạch trung hạn (20 - 30 năm) và ngắn hạn (5 - 10 năm) vô cùng quan trọng. Trong đó, yêu cầu khớp nối được giữa định hướng phát triển kinh tế - xã hội với quy hoạch chung. Đồng thời, thể hiện một ý chí nhất quán, không để tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong quy hoạch, phát triển đô thị.

Theo ông Harry Yeo - nguyên Chủ tịch Viện Bất động sản Singapore, quy hoạch tổng thể 1/5.000 có từ rất sớm (năm 1971) và được các nhà đầu tư tuân thủ đầu bài cho đến nay. Quy hoạch tổng thể Singapore có phân ra từng khu nhà cao tầng (trên 10 tầng), cao trung bình (3 - 10 tầng) và thấp tầng (1 - 2 tầng) và có tính đến bảo tồn kiến trúc cổ cũng như bản sắc văn hóa của 4 tộc người (bản địa, Hoa, Malaysia và Ấn Độ). Bản quy hoạch tổng thể cũng thể hiện việc kết nối hạ tầng (nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, điện, điện thoại…) được Nhà nước đầu tư. Do tập trung phát triển ngành công nghiệp sạch nên Singapore xây dựng các khu đô thị vệ tinh, giảm chi phí đi lại, tiết kiệm sinh hoạt.

“Chúng tôi phân vùng quy hoạch cho kinh doanh và nhà ở riêng biệt. Nếu đã quy hoạch cho kinh doanh, sẽ không có nhà ở. Vì Singapore quy hoạch đô thị dài hơn nên không có tắc đường. Chúng tôi có sân bay tốt nhất trên thế giới trong 6 năm nay. Singapore dự định sẽ mở ra nhà ga hàng không số 5 để đáp ứng được nhu cầu đi lại của cả những quốc gia đông dân số nhất thế giới. Để đón đầu tương lai, kinh nghiệm rút ra phải có quy hoạch đô thị thật sự bền vững” - ông Harry Yeo khuyến nghị.

Một ví dụ điển hình của mô hình giao thông công cộng bài bản là Nhật Bản. Về vấn đề này, theo ông Soichrio Takamine - Cục Đô thị, Bộ Đất đai hạ tầng giao thông Nhật Bản, Nhật Bản với tầm nhìn dài hơi, luôn xem trọng ứng dụng công nghệ quản lý tốt hạ tầng, tăng cường kết nối các mạng lưới, bố trí khu dân cư gần các phương tiện công cộng. Từ đó, dù chịu nhiều thiên tai, hệ thống giao thông công cộng của Nhật cơ bản khắc phục nhanh, giảm tải tắc đường và ô nhiễm môi trường.

“Đáng lưu tâm nhất, để hạn chế tình trạng sử dụng đất thiếu kiểm soát, việc cấp phép đầu tư cho tư nhân được kiểm duyệt nghiêm ngặt. Các khu vực đã lập dự án với quy hoạch 1/500 được chuyển tải thành quy chế với các quy định sử dụng đất bắt buộc. Các quy định về thiết kế kỹ thuật đô thị cho phép mềm dẻo nhưng vẫn tuân thủ theo các quy chuẩn và các quy định của quy hoạch chung đô thị. Chính quyền đô thị tại địa phương triển khai các hạng mục trong quy hoạch được duyệt phù hợp với phân công về quản lý của Nhà nước. Hạ tầng đường sá với ít nhất 4 làn xe, các dự án cải tạo nâng cấp khu dân cư đô thị có quy mô ít nhất 50ha do cấp tỉnh quản lý” – ông Soichrio Takamine phân tích.

"Ở California – Mỹ, đặc biệt là Nam California, quỹ đất còn lại rất ít. Vì vậy, giải pháp đưa ra là phát triển đô thị theo chiều cao. Đáng chú ý, với mật độ xây dựng ở các khu trung tâm California quá cao, giải pháp đặt ra là khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng. Đồng thời, xây dựng hệ thống khép kín, ví dụ bên trên là nhà ở thì bên dưới là trung tâm mua sắm... Chính quyền cũng cũng khuyến khích các chủ đầu tư dành quỹ đất, quỹ nhà cho các nhóm đối tượng có thu nhập thấp." - Ủy viên Hội đồng Quy hoạch Đô thị của California Tom Berge

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần