Vaccine doanh nghiệp, tại sao không?

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/5/2021, CDC Hoa Kỳ bất ngờ đưa ra khuyến cáo, những người Mỹ đã tiêm chủng đủ 2 mũi thì được tháo khẩu trang. Đây là một quyết định khiến Tổng thống Biden và nhiều người dân Mỹ khá bối rối dù mọi người đã biết có gần 40% dân Mỹ đã tiêm xong vaccine. Một ngày trước đó, các chuyên gia vẫn muốn người dân Mỹ đeo khẩu trang thêm một thời gian nữa.

 Ảnh minh họa
Nhưng Giám đốc CDC Rochelle Walensky thì không, bà có đủ bằng chứng cho thấy vaccine đã có tác dụng, những người tiêm đủ 2 mũi sẽ không cần đeo khẩu trang.
Đứng đầu thế giới là Israel đã có 5,1 triệu người (dân tương đương 56,4%) đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, tỷ lệ này ở Chi Lê là 40%, ở Anh là 31,3%. Tại khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ người dân Thái Lan đã hoàn thành tiêm vaccine là 1,3%, ở Indonesia là 3,4% còn Campuchia là 8,1%, Singapore là 25,3%. Trong khi đó, Việt Nam mới có khoảng 29.000 người được tiêm đủ 2 mũi. Cả năm nay, chúng ta mới xét nghiệm được 3,3 triệu xét nghiệm PCR, tương đương 4.4 triệu lượt người, tức chỉ khoảng 4% dân số.

Trong điều kiện "chống dịch như chống giặc", khan hiếm vaccine phòng chống Covid-19 trên toàn cầu, Thủ tướng đã ký Nghị định về mua vaccine để tiêm phòng. Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vaccine phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay vì tính mạng người dân. Mới đây, Bộ Y tế đã tiếp nhận khoản tiền 160 tỉ đồng và 4 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ ngành ngân hàng, Vingroup, Sovico Group và HD Bank trao tặng.

Rõ ràng, Chính phủ đang làm rất tốt trong khả năng của mình nhưng trong phạm vi toàn cầu, Việt Nam chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề này. Làn sóng Covid-19 lần thứ tư còn rất nguy hiểm, khi đánh vào 2 cơ sở của nền kinh tế mà Chính phủ cố giữ vững thời gian qua. Đó là cơ sở y tế và khu công nghiệp. Khi tham gia cuộc chơi toàn cầu, sau Mỹ và Anh sẽ tiếp tục có thêm các quốc gia đã thực hiện tốt công tác tiêm sớm khôi phục cuộc sống bình thường sau dịch Covid-19.

Theo Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ thuộc Viện Dị ứng và dịch bệnh truyền nhiễm (NIAID), đến ngày 4/7, nếu 70% người trưởng thành của Mỹ được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19, nước này có thể tránh được làn sóng mới của dịch Covid-19.

Rõ ràng, Chính phủ đang làm rất tốt trong khả năng của mình nhưng điều này vẫn chưa đủ để các DN, nhất là những DN xuất khẩu có thể yên tâm 100% công việc kinh doanh. Bất cứ lúc nào, chỉ cần 1 công nhân nhiễm Covid-19, nhà máy hoàn toàn có thể bị đóng cửa. Nên khá nhiều DN, đang mong muốn Chính phủ tạo thêm kênh vaccine DN.

Theo đó, DN bằng kinh phí của mình được chủ động tiêm vaccine cho lao động của mình. Tất nhiên Nhà nước vẫn kiểm soát về nguồn cung cấp vaccine và quy trình tiêm chủng. Nếu điều này sớm được thực hiện thì cả DN và cộng đồng đều có lợi bởi như thế cơ hội cho người nghèo và mở rộng đối tượng được tiêm chủng sớm hơn. Chưa kể, theo phản ánh, chi phí xét nghiệm, truy vết Covid-19 cao hơn rất nhiều so với tiêm vaccine. DN sẽ yên tâm có nguồn lao động đã được tiêm chủng, giảm bớt rất nhiều chi phí bỏ ra để phòng dịch Covid-19.

Đây là vấn đề rất cần Chính Phủ sớm có quyết định nhanh. Bởi nếu trì hoãn 2, 3 tháng nữa, câu chuyện này có khi lại không còn ý nghĩa nữa. Đây chính là ý kiến của các DN khi tham gia tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “DN bản lĩnh vượt khó Covid-19” do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức muốn nhanh chóng gửi đến Chính phủ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần