Vạch trần thủ đoạn kinh doanh sàn vàng ảo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) – Công an TP Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan vừa triệt phá đường dây kinh doanh sàn vàng ảo thông qua Công ty CP Đầu tư tài chính Hà Nội (HGI).

Đây không phải lần đầu tiên, cơ quan công an phá vụ án kinh doanh vàng trái phép mà trước đó (hồi tháng 10/2014), cơ quan công an cũng đánh sập việc kinh doanh vàng trái phép của Công ty TNHH Tư vấn – Đầu tư Khải Thái (Công ty Khải Thái).
Các đối tượng và tang vật của vụ án.
Các đối tượng và tang vật của vụ án.
 Công ty HGI được thành lập từ năm 2009 và hoạt động kinh doanh vàng tài khoản từ đó cho đến nay. Hoạt động sàn giao dịch vàng tài khoản được thông qua website hgi.com.vn do HGI sử dụng phần mềm MT4 được mua từ nước ngoài. HGI sử dụng phần mềm này cho nhà đầu tư (NĐT) tham gia đầu tư vàng, bạc, dầu và 8 cặp ngoại tệ (EUR/USD, GBP/USD, NZD/USD, USD/CAD, USD/CHF, USD/JPY, EUR/JPY, GBP/JPY) với hình thức như sau: Trên sàn HGI, khối lượng giao dịch của mỗi lệnh mua, lệnh bán được tính bằng đơn vị “lot” (1 lot = 100 ounce), giao dịch tối thiểu là 0,1 lot/lệnh và tối đa là 8 lot/lệnh. Khi tham gia, NĐT liên hệ với HGI và được cấp tài khoản. Tiếp đó, NĐT sẽ được hướng dẫn tải phần mềm MT4 trực tiếp từ website của HGI. NĐT nộp tiền vào tài khoản giao dịch vàng bằng cách nộp tiền mặt hoặc sử dụng internet banking để chuyển tiền vào tài khoản của HGI. Số tiền được quy đổi ra điểm tương ứng là 1 điểm bằng 21.000 đồng.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, có 3.037 NĐT tham gia kinh doanh vàng tài khoản tại HGI. Ngoài ra, từ tháng 5/2012 đến nay, HGI có tổ chức huy động vốn dưới dạng hợp đồng ủy quyền, ủy thác đầu tư với lợi nhuận cam kết từ 1,5 – 2% tiền gửi tùy theo kỳ hạn. Khi giới thiệu được NĐT, nhân viên được hưởng 0,3% số tiền NĐT ủy thác, nhân viên kế toán được hưởng 2,5%. HGI đã nhận của các NĐT tổng số tiền 270 tỷ đồng nhưng không có khả năng thanh toán. Trong số tiền đã nhận, HGI đã sử dụng mua 5ha đất tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) với giá 10 tỷ đồng; xây dựng một xưởng gốm khoảng 20 tỷ đồng. Còn lại dùng để chi trả lương cho nhân viên và các hoạt động khác của Công ty.

Thượng tá Hà Thị Hằng – Phó trưởng Phòng PC50 cho biết: Sàn vàng này đã hoạt động từ lâu. Sau khi có quy định của Nhà nước về cấm kinh doanh sàn vàng, họ đã rút lui vào hoạt động trá hình bằng hình thức góp vốn kinh doanh hàng hóa, nhưng thực tế không có hàng hóa gì ngoài kinh doanh vàng tài khoản. Ngoài hứa hẹn trả lãi suất cao, trả nhanh và thường xuyên quảng cáo thực hiện các lệnh giao dịch vàng số lượng lớn ra nước ngoài (như Ấn Độ), các đối tượng còn xây dựng trụ sở Công ty HGI khá lớn, trang thiết bị hiện đại..., tất cả nhằm tạo vỏ bọc bên ngoài, khiến cho NĐT tin tưởng.

Trước đó, ngày 1/10/2014, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) đã làm rõ hành vi kinh doanh sàn vàng, ngoại tệ trái phép của Công ty Khải Thái. Theo đó, Công ty Khải Thái đăng ký kinh doanh lần đầu vào năm 2011 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng và đến nay đã 6 lần thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh. Mặc dù không thuộc DN được cơ quan có thẩm quyền cấp phép kinh doanh ngoại hối, mua bán vàng miếng nhưng Công ty Khải Thái đã tổ chức huy động vốn, ký kết hợp tác đầu tư với khách hàng với lãi suất cao, từ 3 – 3,5%/tháng để Công ty đầu tư kinh doanh tại các sàn vàng quốc tế. Hình thức kinh doanh của Công ty Khải Thái chủ yếu là thành lập đội ngũ nhân viên kinh doanh có nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng, sau đó mở tài khoản giao dịch vàng, ngoại tệ trên sàn giao dịch do công ty này lập ra. Cuối năm 2013, Công ty Khải Thái còn tổ chức hội thảo lớn tại Hà Nội, nhằm kêu gọi các NĐT gửi tiền vào nhiều dự án lớn, lợi nhuận cao. Trên thực tế, số vốn huy động này không được đầu tư vào bất kỳ dự án nào, nhưng NĐT vẫn được trả lãi suất 36 – 42%/năm.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần