Vai trò tích cực của các cấp Hội phụ nữ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn Hà Nội đã phát động và triển khai nhiều phong trào thi đua, đóng góp tích cực vào thành công chung của chương trình trong hơn 4 năm qua.

Hăng hái làm kinh tế

Về Thượng Mỗ - một trong những xã đi đầu huyện Đan Phượng trong xây dựng NTM, chúng tôi không chỉ ấn tượng với nhà cửa, đường làng ngõ xóm khang trang, mà còn bị "hút mắt" bởi những vườn đu đủ, bưởi Diễn, chuối tiêu hồng xum xuê... Vừa cắt tỉa lá khô cho vườn đu đủ gần 100 cây, chị Nguyễn Thị Thanh - Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 1, xã Thượng Mỗ chia sẻ, trước kia, xã chủ yếu trồng lúa, ngô, khoai nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Bởi vậy, với quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho hội viên, cán bộ Hội Phụ nữ đã đến từng nhà hội viên, vận động chị em tham gia tập huấn kỹ thuật, phát triển kinh tế gia đình.
Mô hình trồng đu đủ cho thu nhập cao của hội viên phụ nữ xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng. Ảnh Quang Thiện
Mô hình trồng đu đủ cho thu nhập cao của hội viên phụ nữ xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng. Ảnh Quang Thiện
 
Không chỉ thế, Hội Phụ nữ xã Thượng Mỗ còn mạnh dạn ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NN&PTNT cho 460 gia đình hội viên vay vốn với số tiền gần 10 tỷ đồng. Giải quyết được khâu vốn, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 30 lớp tập huấn trồng cam Canh, bưởi Diễn, đu đủ… cho hơn 1.000 hội viên. Người này dạy người kia, cứ thế cả xã cùng vào cuộc. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi được hàng trăm héc ta sang trồng cây ăn quả. Theo tính toán, mỗi sào bưởi Diễn cho thu nhập 30 triệu đồng, đu đủ lãi 15 - 20 triệu đồng/sào…

Đan Phượng chỉ là một trong những địa phương điển hình về phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, trong hơn 4 năm triển khai Chương trình 02, Thành hội đã phối hợp tổ chức 67 lớp bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 5.500 phụ nữ nông thôn. Trong đó, tập trung vào phát triển các ngành nghề nông nghiệp, trồng rau an toàn, rau mầm, cây cảnh, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi bò sinh sản... Qua đó, đã có nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng như: Sản xuất lúa chất lượng cao, trồng chuối tiêu hồng Vân Nam, hoa ly, ổi Đông Dư, nuôi cá rô đồng...

Nhiều phong trào hiệu quả

Gia Lâm là một trong những huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, việc xây dựng làng quê NTM khang trang, sạch đẹp luôn được các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện quan tâm. Trong đó, nổi bật là cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", phong trào "Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và Nhân dân không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng". Theo thống kê của Hội Phụ nữ huyện Gia Lâm, đến nay, các cấp Hội trên địa bàn huyện đã duy trì được gần 500 đoạn đường phụ nữ tự quản và tham gia trồng hàng ngàn cây xanh trên các tuyến đường. 
Trong 4 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã vận động hội viên thực hiện tốt công tác GPMB, hiến gần 800.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn.

Tại huyện Phúc Thọ, năm 2014, Hội Phụ nữ huyện đã phát động 6 đợt tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông hệ thống cống rãnh, xóa các điểm tập kết rác thải trái phép. Hội Phụ nữ các xã, thị trấn còn duy trì 455 đoạn đường phụ nữ tự quản, tăng gần 100 đoạn đường so với năm 2013...

 Bà Lê Thị Thiên Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cho biết, hưởng ứng phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM", Thành hội đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp với các tiêu chí xây dựng NTM. Đến nay, 100% huyện, thị xã và cơ sở Hội vận động hội viên thực hiện xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" và đăng ký các công trình, phần việc cụ thể. Nổi bật là vận động các Chi hội hỗ trợ ngày công làm đường giao thông nông thôn, bảo vệ môi trường, duy trì và nâng cao chất lượng các đoạn đường phụ nữ tự quản, đoạn đường nở hoa. Đến nay, Hội Phụ nữ tại 18 huyện, thị xã đã và đang quản lý hơn 6.500 đoạn đường phụ nữ tự quản xanh – sạch – đẹp.

Có thể nói, với những việc làm thiết thực, phù hợp với đặc thù của hội viên, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn TP đã và đang tham gia hết sức hiệu quả trong thực hiện phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM". Qua đó, tạo được khí thế thi đua sôi nổi, để mỗi phụ nữ Thủ đô phấn đấu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần