Vẫn còn khoảng 55.000 video có nội dung xấu độc trên Youtube

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Bộ TT&TT, ước tính có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật trên Youtube.

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT cho biết trong hai năm qua, Google đã hợp tác tích cực với Bộ TT-TT ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên YouTube. Tuy nhiên, tình trạng các clip xấu độc được đăng tải trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều, ước tính có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật.

 Ảnh minh họa
Nguyên nhân tồn tại các clip xấu độc là do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube lỏng lẻo, bất cập. Cụ thể, YouTube, Google không kiểm soát được hoạt động đăng phát quảng cáo trên YouTube và mạng lưới quảng cáo Google Adsense; cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp với YouTube, Google không thông qua đại lý quảng cáo trong nước. Trong khi đó, bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả...
Bộ TT-TT đã xây dựng một số giải pháp để xử lý các vi phạm trên. Trước hết, cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu YouTube, Google phải định danh các kênh YouTube tiếng Việt và chỉ kênh được định danh và không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật mới có thể xem xét chia sẻ tiền quảng cáo. YouTube bỏ tính năng suggest (gợi ý) đối với các kênh mà Bộ TT-TT đã thông báo vi phạm; bổ sung cơ chế không cho người dùng đăng lại clip vi phạm đã bị gỡ bỏ trước đây.
Với các đại lý quảng cáo, cần chủ động rà soát, tuyệt đối không quảng cáo trong các clip YouTube có nội dung xấu độc, phản động, chống phá Đảng, Nhà nước; đồng thời cảnh báo với Google nhằm bảo đảm hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo của công ty phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với người mua quảng cáo, không mua quảng cáo trực tiếp với YouTube, Google; yêu cầu đại lý quảng cáo không được đăng phát quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu của công ty mình trên các clip xấu độc, vi phạm pháp luật trên YouTube.
Cục PTTH&TTĐT đã yêu cầu YouTube phải định danh các kênh tiếng Việt, và chỉ những kênh được định danh, không đăng nội dung bất hợp pháp mới được xem xét chia sẻ doanh thu. Những kênh đã bị thông báo vi phạm sẽ không nhận được tiền quảng cáo.
YouTube đang gặp khủng hoảng trên toàn cầu về quản lý nội dung lỏng lẻo. Thống kê cho thấy, đơn vị này đã mắt nhắm mắt mở cho 130.000 kênh YouTube tiếng Việt có nhiều nội dung vi phạm.
YouTube còn tồn tại rất nhiều các kênh có nội dung rác, nội dung chất lượng kém, và vi phạm bản quyền của báo chí. Nhiều kênh không sản xuất các video mà chủ yếu cóp nhặt nội dung mới, nóng từ các báo, rồi lấy hình ảnh trên báo và chạy chữ kèm đọc tiếng rồi đăng lên YouTube. Những video loại này vi phạm bản quyền của các báo và chất lượng hình ảnh và âm thanh rất kém, nhưng trên YouTube tràn lan những kênh loại này.
Nội dung vi phạm bản quyền trên YouTube tràn lan, các đài truyền hình, các hãng phim đều là nạn nhân của các kênh vi phạm bản quyền. Nhất là những giải đấu thể thao hấp dẫn, hoặc các bộ phim ăn khách thường bị các kênh YouTube livestream trái phép để câu view.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần