Vẫn còn nhiêu khê

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ việc ưu tiên cải cách thủ tục hành chính đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa phục vụ người dân và DN, giảm thiểu thời gian và chi phí. Đó là những nhận định tích cực được nhiều địa phương, đơn vị đưa ra tại hội nghị toàn quốc về nâng chất lượng công tác giải quyết thủ tục hành chính ngày 11/9.

Công chức bộ phận Một cửa xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) giải thích về TTHC cho người dân
Tuy nhiên, từ quyết tâm đến hành động vẫn còn những vấn đề cần tháo gỡ để đạt được tối đa mục tiêu mong muốn.
Thực tế vừa qua cho thấy, nếu người đứng đầu quyết tâm và sự vào cuộc tích cực của cán bộ công chức, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) để rút ngắn thời gian, chi phí giải quyết hoàn toàn “trong tầm tay”. Tại nhiều địa phương, bộ ngành, đã có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn TTHC được đơn giản hóa hoặc cắt giảm. Tỷ lệ TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hầu hết đạt đến 100%. Một nền hành chính công minh bạch với tiêu chí phục vụ người dân, DN được đặt lên lên hàng đầu cũng đang được định hình. Với việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC khiến các cụm từ chính phủ điện tử, chính quyền điện tử... không còn xa lạ với nhiều người dân. Tại Hà Nội cũng như các địa phương, có những TTHC thời gian thực hiện được cắt giảm đến “không ngờ” như trong lĩnh vực đất đai, môi trường, giảm tới trên dưới 50%, đặc biệt, có thủ tục giảm tới hơn 80% thời gian so với trước đây. Sự thay đổi đáng nói này có được, ngoài yếu tố giảm thành phần hồ sơ, có sự liên thông giữa các ngành… còn bởi một yếu tố quan trọng khác là sự vào cuộc tích cực hơn của cán bộ, công chức thực thi.

Tuy nhiên, dù hàng loạt TTHC đã được rút ngọn, song ở nhiều nơi, việc thực hiện các TTHC không chậm, nhưng vẫn dừng ở cụm từ rất quen là “đúng quy trình”. Cùng với đó, một vấn đề nhiều người đặt ra rằng, tại sao cùng một thủ tục đó, có đơn vị có thể thực hiện trong ngày, nhưng có nơi vẫn phải hẹn mấy ngày mới xong? Ngoài những lý do khách quan, nhiều ý kiến cho rằng, có nguyên nhân không ít từ hệ thống chính trị nơi đó chưa thực sự vào cuộc; cán bộ, công chức thực thi chưa “hết mình” phục vụ. Như Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhận định, người dân còn phàn nàn về trình độ và thái độ ứng xử của một bộ phận công chức tại bộ phận một cửa của nhiều bộ, ngành, địa phương. Rồi tình trạng để quá hạn trong giải quyết hồ sơ TTHC vẫn còn, cho thấy độ trễ khá lớn từ chính sách đến hành động.

Dư luận xã hội rất ủng hộ quyết tâm cao của Chính phủ, của các tỉnh, thành, bộ, ngành trong việc mạnh tay cắt giảm TTHC đang gây phiền hà cho DN, người dân; đơn giản hóa đến mức tối ưu quy trình giải quyết thủ tục. Bởi thế, với những kết quả đáng kể đã có, vẫn cần rút ngắn hơn nữa quyết tâm và hành động, khắc phục triệt để tình trạng nhũng nhiễu và chi phí không chính thức hay TTHC vẫn còn nhiều “cửa”, nhiều “khóa”… Ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công khai minh bạch, tiếp tục cần sự chuyển động, vào cuộc tích cực hơn nữa của những người thực thi. Như ý kiến đã được nhấn mạnh tại hội nghị, phải thẳng thắn xin lỗi công khai trong chậm giải quyết TTHC và xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm. Qua đó, chắc chắn sẽ nâng hơn nữa chất lượng giải quyết, người dân, DN sẽ không còn phàn nàn vì “sự nhiêu khê” bởi TTHC.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần