Vấn đề của U22 Việt Nam sau 2 trận xuất quân: Trời ơi, bàn thắng!

Diệp Xưa/Theo CAND
Chia sẻ Zalo

Hai trận đấu, ghi cả thảy 8 bàn thắng (và chỉ để lọt lưới 1 bàn). Sự thực là 180 phút với 8 bàn thắng trên tổng số cả một lô lốc những cơ hội được tạo ra là một chỉ số quá thấp...

Trận đấu đầu tiên, khi hậu vệ trái Văn Hậu ghi 2/4 bàn và cả làng đưa Văn Hậu lên mây thì HLV - ngôi sao SEA Games năm 1995 Trần Minh Chiến đặt vấn đề: đấy là tín hiệu buồn chứ vui vẻ gì. Theo ông Chiến, phải để một hậu vệ ghi một nửa số bàn chứng tỏ các cầu thủ tấn công không hoàn thành nhiệm vụ. Ông Chiến có lý, bởi đá với chiếu dưới Timor Leste, có rất nhiều tình huống các cầu thủ tấn công đối diện với khoảng trống mênh mông trước khung thành, thế mà không hiểu sao số lần "bắn" trượt luôn vượt xa số lần "bắn" trúng.

Đến trận thứ hai với Campuchia thì vấn đề mà ông Trần Minh Chiến đặt ra không còn quá rốt ráo nữa. Bởi trận này tiền đạo Công Phượng ghi 2 bàn, tiền vệ Quang Hải ghi 1 bàn, và tiền đạo vào sân thay người Hồ Tấn Tài ghi bàn còn lại. Nghĩa là cả 4/4 bàn thắng đều được xác lập bởi hệ thống tấn công. Nhìn vào đó chăng mà bình luận viên nhà đài không ngừng khen ngợi: "Chúng ta tấn công hay quá", rồi "mọi vị trí của chúng ta đều có thể ghi bàn" (?)

Chuyện hay, dở thì sẽ hậu xét, bởi những Timor Leste, Campuchia chưa phải thuốc thử đủ liều, nhưng một vấn đề phải đặt ra ngay: cũng giống y như trận gặp Timor Leste, 90 phút với Campuchia chúng ta "chỉ" có thể ghi được 4 bàn trong rất, rất nhiều cơ hội được tạo ra. Thế nên buổi họp báo sau trận, HLV trưởng Hữu Thắng mới không ngừng nhắc đi nhắc lại hai tiếng: "chắt chiu". Ông bảo: "Gặp Thái Lan, hay Indonesia, đừng mơ có nhiều cơ hội như vậy. Vì thế, nếu không biết chắt chiu cơ hội thì chiến thắng là rất khó". Tại sao chúng ta không thể chắt chiu cơ hội nhỉ? Theo chúng tôi, có 2 nguyên nhân chính.

Một, là khả năng đánh hơi và độ nhạy cảm bàn thắng của các cầu thủ tấn công chưa tốt. Hai trận đấu, tiền đạo cắm Hà Đức Chinh phải có ít nhất 4 lần nhận bóng trống trải trước khung thành, nhưng đều dứt điểm cách khung thành khá xa. Cũng có chừng 3,4 tình huống tiền vệ biên Văn Toàn xâm nhập vòng cấm, nhưng lại tiếp bóng bước một rất thiếu cảm giác, khiến bóng sau đó thường đi quá dài so với đà di chuyển của mình. Tất nhiên có thể do mặt sân thi đấu không mượt, nhưng nên nhớ, những trận đấu tập huấn trước đó ở sân Thống Nhất (TP HCM), điều tương tự cũng diễn ra rồi. Lúc đó, HLV Hữu Thắng từng bực bội chia sẻ với truyền thông: "Nhiều quả đá vào trong dễ hơn đá ra ngoài, thế mà các em vẫn đá ra ngoài...".

Hai, trận gặp Campuchia, có khoảng 2,3 tình huống 2 đánh 1 nhưng cầu thủ "bắt bước 1" là Công Phượng nhất định không chịu chuyền bóng cho cầu thủ đang có đà di chuyển cực kỳ thuận lợi là Hà Đức Chinh. Thay vào đó, Công Phượng cúi mặt rê bóng - rê một cách rườm rà, dễ đoán, và ...mất bóng. Nếu Công Phượng cứ rê dắt cá nhân như vậy, mà không chịu chuyền bóng cho những đồng đội ở thế dứt điểm thuận lợi hơn thì có nghĩa chúng ta không thể biến các cơ hội theo kiểu 60, 70% thành các cơ hội 80, 90%. Và vì thế bài toán khó về dứt điểm càng trở nên khó hơn rất nhiều.

Cả hai vấn đề này phải được ban huấn luyện tìm cách giải quyết một cách nhanh nhất. Bằng không những trận đấu tới với những đối thủ cứng như Indonesia, Thái Lan người ta sẽ phải vừa xem Đội tuyển vừa ôm đầu thốt lên: "Trời ơi, bàn thắng!".

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần