Vận động bầu cử - cơ hội để ứng viên thể hiện mình

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định thành công đối với người ứng cử.

Hoạt động này bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức (chậm nhất là ngày 28/4) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 22/5) và việc xây dựng chương trình hành động thể nào cho hiệu quả rất được quan tâm.

Hai hình thức vận động bầu cử cơ bản

Theo Luật Bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội và ĐB HĐND, với hình thức vận động bầu cử thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ Việt Nam tổ chức, từng người được giới thiệu ứng cử sẽ trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐB Quốc hội hoặc ĐB HĐND. Sau đó cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm tại hội nghị.
Đối với hình thức vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng, người tham gia ứng cử trình bày về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương nơi ứng cử và trên các trang thông tin điện tử về bầu cử. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc đăng tải, thông tin chương trình hành động của người ứng cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Việc vận động bầu cử phải đảm bảo 3 nguyên tắc cơ bản: Được tiến hành dân chủ công khai, bình đẳng đúng pháp luật, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội; người ứng cử ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị đó; các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

Thực tế hiện nay, ngoài hai kênh chính thống đã được quy định, người ứng cử có thể sử dụng mạng xã hội để tương tác với cử tri, nhưng phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sử dụng mạng xã hội và về vận động bầu cử, không được thực hiện các hành vi bị cấm.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, một trong những điểm mới của lần bầu cử này là các ứng cử viên ĐB HĐND được quyền tiếp xúc cử tri ít nhất 5 cuộc, ứng viên ĐB Quốc hội ít nhất 10 cuộc. Do những lần trước không quy định số lần tối thiểu nên số lần tiếp xúc cử tri giữa các ứng viên khác nhau, người nhiều người ít.
Việc quy định số lần tiếp xúc tối thiểu giúp cử tri có cơ hội tiếp xúc với ứng viên nhiều hơn, qua đó hiểu rõ hơn để cân nhắc lựa chọn khi đi bầu. Mỗi ĐB cần có nhiều hình thức tiếp xúc khác nhau nhưng phải công bằng thông tin trên báo chí và nằm trong chương trình, kế hoạch đặt ra. Đây là cơ hội bình đẳng cho các ứng viên được thể hiện mình.

Kỹ lưỡng từ phong cách đến chương trình hành động

Vận động bầu cử là dịp để cử tri đánh giá thực chất năng lực, trình độ cũng như sự gắn kết với Nhân dân của mỗi ứng cử viên, từ đó quyết định lựa chọn, bỏ phiếu để ứng cử viên nào trở thành đại biểu dân cử. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các ứng cử viên nên dựa trên thế mạnh của bản thân, cố gắng tìm hiểu tình hình tại địa phương, lường trước các tình huống thực tế đặt ra để trao đổi với cử tri một cách hợp lý. Bên cạnh đó, các ứng cử viên nên trình bày chương trình hành động ngắn gọn, thuyết phục; chuẩn bị tập luyện từ phong cách, thần thái đến nội dung chương trình, kỹ năng vận động quần chúng sao cho tự tin, chân thành, hấp dẫn, phát huy kinh nghiệm và kiến thức có được trong môi trường công tác để cử tri tin tưởng bỏ phiếu...

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh chia sẻ, người ứng cử phải thể hiện ngay tiêu chuẩn đầu tiên của ĐB dân cử là trung thành, trung thực và chân thực. Phải nghe cho hết, suy nghĩ cho chín, kỹ càng, trao đổi một cách khách quan, đúng mức và có trách nhiệm về những vấn đề được cử tri nêu tại cuộc tiếp xúc. Người ứng cử phải hiểu thật rõ vai trò, trách nhiệm của người ĐB dân cử trước khi vận động bầu cử.
Từ kinh nghiệm thực tế, nhiều ĐB Quốc hội cũng cho rằng, kỹ năng tiếp xúc cử tri thể hiện đậm nét dấu ấn cá nhân của ứng cử viên trên nhiều phương diện: Thái độ, phong cách, trình độ, năng lực ứng xử, tinh thần trách nhiệm… Báo chí và các phương tiện truyền thông cũng là cầu nối hữu ích, nếu biết cách vận dụng đúng quy định, sẽ phát huy tốt hiệu quả trong việc lan tỏa thông điệp, hình ảnh của ứng cử viên tới cử tri.

Để bảo đảm việc vận động bầu cử được thực hiện đúng quy định, trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ giám sát chặt chẽ việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri. Đồng thời, vận động chính cử tri cùng tham gia giám sát để bảo đảm tốt tính khách quan trong cuộc bầu cử.