Vận động viên tiêu biểu năm 2018 Bùi Thị Thu Thảo: Nghị lực từ cô gái nghèo

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau thất bại tại ASIAD 17 ở Incheon (Hàn Quốc), với sự quyết tâm và vượt qua mọi khó khăn, vận động viên (VĐV) điền kinh Bùi Thị Thu Thảo đã giành được tấm HCV nội dung nhảy xa tại Indonesia với thành tích 6,55m, góp phần làm nên lịch sử cho điền kinh nước nhà ở ASIAD 18.

Với sự cố gắng không ngừng nghỉ, thành quả xứng đáng cho Thu Thảo là danh hiệu VĐV tiêu biểu năm 2018.
Vượt lên chính mình

Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, VĐV Bùi Thị Thu Thảo vẫn không giấu được niềm vui, hạnh phúc khi đạt những danh hiệu quý giá trong sự nghiệp, đặc biệt là năm 2018. “Bất cứ là một VĐV nào, khi đã thi đấu thì đều mong muốn đạt thành tích cao nhất. Những thành tích đó chứng tỏ năng lực cũng như thành quả của bao cố gắng tập luyện. Còn khi thành quả đến thì cảm xúc chắc chắn là khó diễn tả, chỉ biết vỡ òa” – Thu Thảo nói.

Đã từ rất lâu, người hâm mộ luôn biết đến Thu Thảo về biệt biệt danh Thảo “Bò vàng”. Chia sẻ về biệt danh này, VĐV sinh năm 1992 cho biết: “Thảo là tên cha mẹ đặt. Bò, vì em sinh ra và lớn lên ở Ba Vì (Hà Nội) là huyện nổi tiếng về nuôi bò sữa. Còn vàng là chính là mục tiêu giành HCV ở mỗi giải đấu”.
 Vận động viên Bùi Thị Thu Thảo xuất sắc giành HCV tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII. Ảnh: Ngọc Tú
Nhìn lại những gì mà Thảo đã làm được, thật đáng khâm phục nghị lực của “nữ hoàng nhảy xa” này. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 3 anh em, Thảo là út và sớm bộc lộ năng khiếu thể thao từ nhỏ. Năm 13 tuổi, Thảo đã giành giải nhất 3 môn đá cầu, điền kinh, bơi lội của huyện. Sau khi được lựa chọn lên học tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội một thời gian, do không quen với cường độ tập luyện và nhớ nhà, sau vài ngày tập Thảo “Bò vàng” đã bỏ về.

“10 năm theo nghiệp thể thao, có nhiều lúc cũng thấy chán nản, muốn buông xuôi bỏ cuộc. Mỗi khi nhớ nhà hay khoảng thời gian bị chấn thương luôn là thử thách khó khăn nhất đối với em" – Thu Thảo nói. Tuy nhiên, từ những lời động viên của gia đình, đặc biệt là tình cảm với người bố bị đau ốm, “cô gái vàng” đã quyết tâm một lần nữa thử sức với điền kinh, cũng chỉ mong rằng sẽ đạt thành tích cao để có tiền thưởng giúp gia đình, mua thuốc men cho bố. “Là VĐV lương tháng chỉ vài triệu đồng. Vì vậy, em luôn nghĩ phải cố gắng phấn đấu, nỗ lực giành huy chương để có thể dành dụm chút tiền thưởng gửi thêm về cho bố mẹ” - Thu Thảo tâm sự.

b

Sau 12 năm được các HLV tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội phát hiện tài năng giậm nhảy, đến nay Thu Thảo đã viết nên câu chuyện cổ tích và là niềm tự hào cho thể thao nước nhà nói chung và điền kinh Hà Nội nói riêng. “Những thành tích em có được ngày hôm nay, ngoài cố gắng của bản thân thì công lớn thuộc về những người thầy đã huấn luyện, động viên em hàng ngày tại Trung tâm” – Thảo chia sẻ thêm.

Theo HLV Nguyễn Mạnh Hiếu – người đã gắn bó với “cô gái vàng” Thu Thảo trong suốt quá trình tập luyện và cũng mới đạt danh hiệu HLV tiêu biểu năm 2018, thì nghị lực của nhà vô địch ASIAD 18 khó có thể miêu tả hết bằng lời. Thu Thảo có tài năng vượt trội, có tố chất của một VĐV chuyên nghiệp từ khi mới bắt đầu vào Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội. “Chính hoàn cảnh khó khăn của Thảo đã tạo cho em nghị lực trong tập luyện, thi đấu” - HLV Nguyễn Mạnh Hiếu cho biết.

Thu Thảo đã kết hôn được hơn 3 năm nhưng VĐV này đã tạm gác lại việc sinh con để cống hiến cho thể thao. “Chồng em chính là hậu phương vững chắc giúp em luôn yên tâm tập luyện tốt” – Thu Thảo chia sẻ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần