[Văn hóa chính trị và góc nhìn “đạo đức người cán bộ”] Bài 2: Trách nhiệm “công bộc”

Hà Bình - Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những khía cạnh quan trọng của văn hóa chính ở góc nhìn về “đạo đức người cán bộ” đó là thái độ, chuẩn mực, văn hóa ứng xử trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Không chỉ là “làm tròn bổn phận” người công bộc của dân, hay dừng ở những tiêu chí, quan điểm chung, để thấm sâu vào mỗi người, vẫn là câu chuyện không đơn giản.
Muôn kiểu quan liêu
Cuối năm 2019, báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của công dân Nguyễn Chí Dũng (trú tại tổ 11, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội), về việc ông đến bộ phận một cửa UBND phường Việt Hưng xin xác nhận thực trạng và nhu cầu đất ở, để làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng một thửa đất tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội. Do không nắm được thủ tục, cán bộ bộ phận một cửa tiếp công dân Nguyễn Chí Dũng đã bảo công dân đi về, 10 giờ sáng có mặt để được cán bộ Đặng Thị Oanh Yến, người hiểu rõ thủ tục hơn, hướng dẫn.
 Cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Công Hùng
Đúng 10 giờ, ông Nguyễn Chí Dũng có mặt tại UBND phường Việt Hưng. Thay vì hướng dẫn, bà Đặng Thị Oanh Yến thông báo với ông Dũng là phường Việt Hưng không xác nhận thực trạng và nhu cầu đất ở của ông. Cho dù, từ tháng 1/2018, UBND quận Long Biên đã ban hành văn bản quy định một số vấn đề về chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng cán bộ bộ phận một cửa UBND phường Việt Hưng lại khẳng định là… không có và yêu cầu công dân phải… tự đi tìm văn bản. Ông Nguyễn Chí Dũng ra về với lòng đầy bức xúc và nghi ngại: “Tôi rất buồn vì việc này. Hay là do thiếu "bôi trơn" nên cán bộ hành xử như vậy?”.
Tại không ít địa phương, những câu chuyện "hành dân" của một số bộ phận trong cơ quan công quyền hoặc ứng xử không đúng với chuẩn mực của người cán bộ có thể bắt gặp không ít. Chính điều này đã gây bức xúc cho Nhân dân. Hiện nay, kiểu “hành dân” phổ biến nhất chính là việc xin chữ ký, hay còn được gọi là “nạn bút phê” vào lý lịch.
Dân đến xin phê một nội dung, nhưng cán bộ xã phường lại điềm nhiên điền những thông tin khó hiểu, như là xác nhận sơ yếu lý lịch nhưng lại ghi ngay vào lý lịch người dân: “Gia đình chưa chấp hành các khoản đóng nộp của thôn”; hoặc những lời phê: “Có quan hệ với người nghiện” mà không chứng minh được quan hệ thế nào... Có những sự việc dù đã qua đi, nhưng những ứng xử thiếu chuẩn mực vẫn bị người dân nhắc lại, vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống của một vài người và cũng bởi lẽ đó là hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”.
Từ “hành chính” sang “phục vụ”
Như TS Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã phân tích, văn hóa là nền tảng xây dựng đạo đức công vụ và đạo đức công vụ là cơ sở để thực thi trách nhiệm công vụ. Việc xây dựng và không ngừng bồi đắp văn hóa, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có vai trò quan trọng và cần thiết trong lộ trình hướng đến một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, liêm chính và phục vụ.
Nhìn từ thực tiễn có thể thấy, trong nhiều năm, mỗi khi phải đến nơi công quyền đã trở thành nỗi ám ảnh của mỗi người. Bởi không ít nơi, chính cán bộ, công chức nhà nước đã trở thành “cửa quan” hách dịch, sách nhiễu, phiền hà người dân. Thậm chí như người dân hay nói vui về văn hóa “hành là chính” khi nhắc đến câu chuyện xử lý công việc liên quan đến dân của bộ máy công quyền. Để đẩy lùi thực trạng ấy, những nỗ lực cải cách hành chính, thiết lập một nền dịch vụ hành chính công, hình thành một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ đạt tới chuẩn mực công vụ đã được triển khai bằng nhiều biện pháp quyết liệt trong những năm qua.
Có thể nói rằng, tính chuyên nghiệp của một nền hành chính hiện đại hàm chứa tính phục vụ đang dần hình thành. Những khẩu hiệu “Nền công vụ hiện đại là hướng vào phục vụ người dân”, “Lấy sự hài lòng của người dân, DN là trung tâm phục vụ”… không chỉ là trên giấy nữa. Không ít nơi, đã thực sự tạo nên hình ảnh những người thực thi công vụ trọng dân, kính dân, tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp chuẩn mực, không hách dịch; cách giải quyết công việc hiệu quả, không cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho người dân.
Tuy nhiên, như TS Thang Văn Phúc đã phân tích, những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng tràn lan, từ cao tới thấp, những suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, sự xuống cấp về đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp vẫn ở mức báo động; coi thường dân, coi thường pháp luật, đến sự vô cảm, thờ ơ trước những nỗi niềm của người dân… vẫn đang là những thách thức đặt ra. Cụm từ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" cũng từng được nhắc đi nhắc lại để minh chứng cho một thực trạng trì trệ, vô trách nhiệm, lười biếng của một phần không nhỏ cán bộ, công chức. Thực tế ấy, đòi hỏi cấp thiết phải nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ.
Hơn nữa, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức không chỉ được đánh giá trong lúc thực thi công vụ, mà còn được đánh giá cả lúc họ không thực thi công vụ, cụ thể là qua ứng xử, qua phong cách sống, sinh hoạt ở cả cơ quan và nơi cư trú, qua các mối quan hệ xã hội. Nói thì có vẻ dễ, bởi bản thân trong Luật Cán bộ Công chức, Luật Viên chức cũng đã đề cập. Song để làm cho đúng và trở nên thường xuyên, phải như ngấm vào trong máu thịt mỗi công bộc của dân, quả không hề đơn giản.
Thực tế, đã từng có rất nhiều chuyện buồn, khi có cán bộ ứng xử không chuẩn mực với môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội, thậm chí ứng xử rất thiếu văn hóa. Có những cán bộ vẫn vô tư bẻ hoa, ngắt cành, ứng xử lệch chuẩn văn hóa lại “kiệm lời xin lỗi”! Rộng ra nữa, có cán bộ vì lợi ích phê duyệt những dự án đã góp phần tàn phá môi trường, có những cán bộ hoạnh họe chửi, xem thường dân...
Tất cả những hành vi trên dù nhỏ hay lớn đều thể hiện thái độ không kính trọng người dân, ứng xử lệch chuẩn văn hóa. Những biểu hiện như thế là biểu hiện không vì dân, không phải là cán bộ của dân, do dân và vì dân như mục tiêu xây dựng “văn hóa trong chính trị” Nghị quyết 33 của T.Ư đã đặt ra.
Văn hóa là gốc
Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành 2 Quy tắc ứng xử nơi công cộng và trong cơ quan hành chính Nhà nước, hướng đến sự văn minh, thanh lịch trong văn hóa ứng xử. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn một số người đứng đầu, cán bộ, chuyên viên tại bộ phận một cửa của cấp phường, xã thể hiện thái độ tác phong hách dịch với dân. Sở Nội vụ Hà Nội đã xây dựng bộ chế tài xử lý vi phạm, bao gồm hình thức phạt tiền, nêu tên trên các kênh thông tin đại chúng, thông báo về cơ quan, đơn vị… với từng lỗi vi phạm của công chức, viên chức.
Đặc biệt, Sở Nội vụ còn xây dựng Bộ chế tài tình huống 146 điều công chức không được làm. Với tất cả những động thái này, Hà Nội mong muốn cải thiện chất lượng phục vụ, văn hóa ứng xử của những cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan thuộc TP Hà Nội, đặc biệt là cán bộ thường xuyên tiếp xúc với người dân như bộ phận một cửa. Bằng chứng là sau hơn 3 năm ban hành 2 Quy tắc ứng xử, Hà Nội đã cải thiện đáng kể về chất lượng công việc của cán bộ phục vụ Nhân dân dân, giảm thiểu được rất nhiều hạt sạn khiến dư luận và truyền thông lên án.
Nhìn rộng ra, không phải ngẫu nhiên, cùng với những quy định về đạo đức công vụ trong Luật Cán bộ, công chức, liên tiếp trong thời gian qua, hàng loạt quy định liên quan tới đội ngũ công chức, viên chức đã được tiến hành xây dựng và triển khai. Ở đó, bên cạnh vấn đề xây dựng văn hóa công sở, còn là loại trừ các căn bệnh “vô cảm”, “không nhúc nhích”... Đề án Văn hóa công sở cũng đã được ban hành và đưa vào thực thi
. Đề án này được xây dựng với mục tiêu nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội…
Một trong bốn nội dung của Đề án văn hóa công vụ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt ra yêu cầu về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức có nội dung cốt lõi là khi tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân, mỗi “người Nhà nước” cần thực hiện “4 xin” là “xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép” và “4 luôn” là: “Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ”.
Khi được hỏi việc yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện “4 xin”, “4 luôn” có khiến “người Nhà nước” bị giảm vị thế trong con mắt người dân không, TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội cho rằng: Không những không giảm, mà ngược lại càng tăng thêm tình cảm, niềm tin của Nhân dân đối với những người thực thi, thừa hành công vụ.
Đề án cũng có những quy định rất cụ thể như cán bộ, công nhân viên không được bỏ bê công việc, không ăn lạm từng giây, từng phút, từng đồng thuế của người dân, phải thực hành làm hết giờ sang làm hết việc, xóa bỏ văn hóa “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Văn hóa công sở gắn với trách nhiệm công vụ, trong đó trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là cái gốc. Văn hóa công vụ là phải đặt giá trị tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lấy lợi ích người dân, DN làm mục tiêu.
Để những giải pháp đặt ra trong Đề án Văn hóa công vụ thấm nhuần vào thực tiễn, cải thiện, hình thành đạo đức công vụ cho mỗi người công bộc của dân mà đích đến cuối cùng là sự hài lòng của Nhân dân, chắc chắn phải mất thời gian. Từ đó mới có thể dần dần thay đổi một nhận thức, rằng các cơ quan hành chính không phải “hành là chính” mà đang thực hiện các dịch vụ hành chính công và bộ máy Nhà nước là cơ quan phục vụ Nhân dân.
(Còn nữa)

Văn hóa công sở gắn với trách nhiệm công vụ, trong đó trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là cái gốc. Văn hóa công vụ là phải đặt giá trị tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lấy lợi ích người dân, DN làm mục tiêu.


Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - TS Thang Văn Phúc: Đạo đức công vụ mới không tự nhiên mà có

Công chức thực thi công vụ được xác định là một nghề đặc biệt, cần một phẩm chất đặc biệt của người “công bộc” của dân. Từ thách thức chuyển vai trò người quản lý, từ cơ chế “xin - cho” sang người phục vụ Nhân dân, người phục vụ phát triển là việc hình thành giá trị mới của người cán bộ, công chức – vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng văn hóa trong chính trị hiện nay.

Để đầy lùi tính vô cảm, vô trách nhiệm, tham nhũng, lãng phí của cán bộ, công chức một cách chủ động, hiệu quả, trước hết cần hoàn thiện pháp luật về đạo đức của công chức trong thực thi công vụ, đặc biệt cần phải có một đạo luật riêng về đạo đức công vụ. Cụ thể, công chức khi thực thi công vụ mới phải tuân thủ các chuẩn mực vừa mang tính đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, những chuẩn mực quy định mang tính pháp luật của nhà nước trong mối quan hệ tổng hòa giữa con người - con người, con người với xã hội, con người - nhà nước trên cơ sở tuân thủ quyền, lợi ích. Do đó, nguyên tắc pháp luật về đạo đức công vụ cần được quan tâm xây dựng trên nguyên lý: Pháp luật bắt buộc - nguyên tắc nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp - nguyên tắc đạo đức xã hội (các quy tắc ứng xử của công chức trong thực thi công vụ, thể hiện văn hóa công sở, văn hóa nơi công cộng, nêu gương trong ứng xử xã hội).

Hơn nữa, đạo đức công vụ mới không tự nhiên mà có, cần đề cao vai trò đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức về vấn đề này. Kinh nghiệm các nền công vụ tiên tiến trên thế giới cho thấy, trong các trường đào tạo, huấn luyện công chức đều có chương trình huấn luyện công chức, từ việc ứng xử trong quan hệ công chức với dân tới thái độ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Chú trọng, khuyến khích tự đào tạo, tự tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức của người cán bộ, công chức trong một xã hội học tập, trong nền kinh tế tri thức…

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp KHKT Hà Nội - PGS.TS Bùi Thị An: Con người là nhân tố quyết định

Thành công hay thất bại của cải cách hành chính, có đạo đức và văn hóa công vụ hay không hoàn toàn là trông chờ ở nhân tố con người. Cán bộ, công chức, viên chức có nở nụ cười khi tiếp xúc với Nhân dân hay không, có nịnh bợ lấy lòng cấp trên, nạt nộ cấp dưới hay không thì không ứng dụng công nghệ nào làm thay được. Nếu công chức, viên chức có ý thức, có trình độ sẽ hiểu việc phục vụ Nhân dân là trách nhiệm và nghĩa vụ bởi họ là “công bộc” của Nhân dân, được trả lương bởi Nhân dân. Ngược lại, nếu không nhận thức thấu đáo, tư duy quan cách, sẽ cho rằng người dân được họ ban phát…, từ đó nảy sinh thói cửa quyền, thậm chí là hạch sách, nhũng nhiễu.

Chính vì vậy, trình độ văn hóa, ý thức đạo đức công vụ chính là yếu tố quan trọng quyết định tinh thần, thái độ ứng xử, chất lượng phục vụ của công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ. Xây dựng văn hóa công vụ nói chung, đạo đức công vụ nói riêng phải bắt đầu từ xây dựng văn hóa phục vụ của từng cá nhân trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.


Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia - PGS.TS Ngô Thành Can: Cán bộ không được nóng với dân mà phải tìm cách xử lý phù hợp

Mục tiêu của Chính phủ ta là xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả, đây là những giá trị của lĩnh vực công vụ. Văn hóa công vụ phải hướng tới cùng với những giá trị khác như tuân thủ pháp luật… Để thực thi điều này trong thực tế công vụ, chúng ta quan tâm đến 3 yếu tố cơ bản.

Thứ nhất là quy trình. Đây là những quy trình, quy định cán bộ công chức viên chức phải thực thi, tuân thủ theo công vụ. Những điều này phải theo quy định. Thứ hai là để thực thi tốt quy định quy trình này cho có hiệu lực, hiệu quả, rõ ràng đội ngũ cán bộ công chức viên chức phải là những người có năng lực làm ra sản phẩm, theo quy trình làm sao để đạt kết quả tốt. Thứ ba, chúng tôi lưu ý đến điều kiện để thực thi công vụ.

Do đó những giá trị cần hướng đến như cán bộ công chức viên chức phải có kiến thức, có kỹ năng, thái độ đúng đắn, đạo đức tốt trong việc thực thi văn hóa công vụ. Chính vì vậy chúng ta cần lưu ý ngoài thực thi công vụ còn lưu ý đến “đức và tài”, “hồng và chuyên”.

Văn hóa công vụ tập trung ở cả tinh thần, thái độ làm việc, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức lối sống, trang phục… Đó là mấy vấn đề chúng ta cần lưu ý vì nó liên quan đến thái độ phục vụ, cách thức giải quyết công việc, hay gọi đây là chất lượng tập thể để đánh giá, xem xét.

Thời gian qua có nhiều vấn đề đã được giải quyết khá tốt trong phần thực thi công vụ, đặc biệt là những đóng góp của đội ngũ. Trong phần này, điều rõ nhất chính là nhận thức rõ về chủ trương đường lối, các quy định. Chúng ta phải quan tâm các khóa đào tạo về văn hóa, trang phục, giao tiếp; chúng ta phải luôn ý thức là cán bộ công chức khi giao tiếp trực tiếp với người dân, với khách hàng của mình đừng thể hiện sự hách dịch mà là hãy kiềm chế. Cán bộ công chức không được nóng với dân mà phải tìm cách xử lý hợp lý phù hợp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần