Văn hóa công sở là gốc của nền hành chính hiện đại

Thủy Tiên - Thùy Linh - Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát động sáng 19/5, là hoạt động thiết thực, mang ý nghĩa sâu sắc để tưởng nhớ Bác Hồ về lời dạy và tấm gương suốt đời vì nước, vì dân, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát động phong trào sáng 19/5
Xóa bỏ văn hóa không nhúc nhích
Thủ tướng cho rằng, trong thời gian qua, đội ngũ công chức, viên chức ngày càng hướng đến sự chuyên nghiệp. Phong cách giao tiếp, ứng xử đã có những tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, còn tồn tại, hạn chế trong thực hiện văn hóa công sở. Ở một số nơi, công tác tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đi vào thực chất. Một bộ phận cán bộ công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, không nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, không tôn trọng cấp trên, thiếu công bằng với cấp dưới, gây bức xúc trong Nhân dân, cộng đồng DN. Thủ tướng đề nghị mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần xóa bỏ ngay thứ văn hóa không nhúc nhích, để “nước đến chân mới nhảy”, đợi nhắc thì làm, không nhắc thì cũng làm nhưng làm chậm, chậm trễ trong xử lý nhiệm vụ được giao; sáng cắp ô đi chiều cắp về, đang trong giờ rời nhiệm sở không có lý do chính đáng. Không ăn lạm từng giây, từng phút, từng đồng thuế của người dân.

Theo Thủ tướng, văn hóa công sở phải gắn với gia đình và văn hóa xã hội. Cán bộ công chức phải thực sự nêu gương với người thân trong gia đình, con cái, bạn bè, đồng nghiệp và các mối quan hệ xã hội. Văn hóa công sở là đúng giờ, không đi trễ về sớm, xóa bỏ thứ văn hóa đang trong giờ rời nhiệm sở không có lý do chính đáng. Văn hóa công sở gắn với trách nhiệm công vụ, trong đó trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là cái gốc. Văn hóa công vụ là phải đặt giá trị tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lấy lợi ích người dân, DN làm mục tiêu.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa quận Tây Hồ. Ảnh: Thanh Hải
Ba trụ cột của văn hóa công sở

Để biến phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” thành chiến lược xây dựng văn hóa công sở, Thủ tướng cho rằng cần xây dựng trên 3 trụ cột, thứ nhất, là cần xây dựng lại hệ giá trị chuẩn mực trong văn hóa công sở. Đây là yêu cầu mang tính tiền đề. Giống như mọi văn hóa khác, văn hóa công sở không thể cân đong, đo đếm được trực tiếp mà được hình thành từ trong ý thức của từng người, tạo nên niềm tin giá trị, động lực thôi thúc cách ứng xử làm việc của mỗi cá nhân. Vì vậy, mỗi cán bộ, công chức cần phải có niềm tin vững chắc vào mỗi giá trị văn hóa mà cơ quan, công sở của mình theo đuổi.“Niềm tin đó thường chỉ có được khi chúng ta thực hành nêu gương, bắt đầu từ cấp trên làm trước, cấp dưới làm sau, lãnh đạo làm gương, nhân viên soi vào. Nếu gương mà bẩn thì mặt người soi nhìn cũng không hay ho gì” - Thủ tướng nói.

Trụ cột thứ 2 là kiến tạo nên môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả. Không thể có một công sở có văn hóa nếu môi trường làm việc thiếu các chuẩn mực của văn hóa, nội bộ tồn tại căng thẳng, soi xét lẫn nhau, nghi ngờ, đố kỵ, bất hợp tác; mục tiêu làm việc chỉ chú trọng đến tiền lương thay vì giá trị công việc được tạo ra và cống hiến. Môi trường công sở được ví như một xã hội thu nhỏ, ở đó, hành xử có sự tương tác của mỗi cán bộ, công chức sẽ tạo nên bầu không khí và những giá trị nơi công sở. Trong môi trường đó, mỗi cán bộ, công chức là những con người có trái tim, có cảm xúc, có trí tuệ, có bản lĩnh chứ không phải là những cỗ máy – robot, máy móc, bàng quan, vô cảm. Do đó, cần thúc đẩy sự cởi mở, tin tưởng lẫn nhau, sẽ giúp khơi nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo và cống hiến.

Trụ cột thứ 3 là hình thành hình ảnh, tác phong, cốt cách của cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo vì người dân phục vụ. Trong mọi vị trí và điều kiện công tác, phải luôn nỗ lực hoàn thành trách nhiệm được giao, tạo sự tin tưởng và thân thiện với lãnh đạo, với đồng nghiệp và người dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mỗi CBCCVC phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, đoàn kết, chung sức, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh thi đua thực hiện văn hóa công sở, đạo đức công vụ, dốc lòng phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Đây được coi là bước nâng cao nhận thức của CBCCVC về hình thành phong cách ứng xử, tác phong làm việc chuẩn mực, chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền và đặc biệt là để cải thiện hình ảnh của CBCC trong người dân và DN.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Trong những năm qua, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04 về “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”. UBND TP đã ban hành 2 bộ “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố". Với mục tiêu lấy người dân và DN làm trọng tâm để phục vụ, trong thời gian qua tất cả hệ thống bộ máy chính trị của TP Hà Nội đã quyết tâm tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính; nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, tinh thần, thái độ, ý thức, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức các cấp của TP tại công sở, nơi cư trú và nơi công cộng, lấy đó là cốt lõi để lan tỏa, nhân rộng ra các tầng lớp Nhân dân, từng bước xây dựng trật tự, kỷ cương trong xã hội...
Chú trọng kiểm tra công vụ, không thể “cào bằng”

Thông điệp của Thủ tướng được phát đi rất đúng lúc khi Hà Nội đang thúc đẩy CCHC làm hài lòng người dân. Để thực hiện tốt lời kêu gọi ấy, trước hết các cơ quan cần quy định rõ chức năng nhiệm vụ cho từng vị trí việc làm, để CBCC xác định rõ mà hoàn thành tốt. Song song với giao nhiệm vụ, cần chú trọng vai trò giám sát, kiểm tra, đôn đốc của người quản lý trực tiếp; cùng với đánh giá và động viên rõ ràng, công bố minh bạch ai làm tốt, ai làm chưa tốt. Như vậy, sẽ tạo động lực cho CBCC làm việc. Không thể để CBCC nào cũng “sống lâu lên lão làng”, 3 năm 1 bậc lương, thì người làm tốt sẽ thấy nản. Không thể tiếp tục “cào bằng” giữa người làm tốt và người không hoàn thành nhiệm vụ. Điều đó sẽ gây mất đoàn kết trong nội bộ, dẫn đến bộ máy bị trì trệ. 

Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Thùy Linh ghi)
Công khai để tạo thuận lợi cho người dân 

Tôi thấy công tác CCHC của quận Đống Đa có nhiều chuyển biến tích cực. Bởi, dù đến giao dịch lần đầu cũng dễ dàng thao tác vì hầu hết tại BPMC của các phường đều có bảng niêm yết đầy đủ quy trình thực hiện các TTHC, treo trang trọng ở vị trí dễ nhìn. Nhiều nơi còn in tờ hướng dẫn cách thực hiện, điền biểu mẫu và kèm theo bộ hồ sơ mẫu để công dân tham khảo. Ngoài ra, còn có cán bộ nhiệt tình hướng dẫn hoàn tất thủ tục, hồ sơ và hẹn trả kết quả rõ ràng. Tôi thấy đây là cải cách lớn của chính quyền trong việc giúp người dân đỡ đi lại nhiều và tránh nhũng nhiễu từ cán bộ. 

Ông Đỗ Văn Nhân - phường Láng Thượng, quận Đống Đa (Trần Long ghi)