Văn hóa công sở - nhìn từ góc độ phục vụ người dân

Nhà văn Nguyễn Việt Chiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nói đến văn hóa công sở không có nghĩa là chỉ nói đến văn hóa giao tiếp, đối xử với nhau giữa những cán bộ, công chức ở trong các công sở ấy mà điều quan trọng đó còn là văn hóa giao tiếp của các cán bộ này với những người dân, tổ chức, DN khi họ có việc phải đến làm việc tại các công sở ấy.

1. Hiện nay, việc ứng dụng mạnh mẽ và đại trà các thành tựu công nghệ thông tin hiện đại đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân của hệ thống cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, công nghệ có hiện đại, tiện ích đến mấy thì nó cũng chỉ là phương tiện. Gốc của văn hóa công sở là hành vi ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, và việc xây dựng văn hóa công sở nhằm hướng đến mục tiêu cao nhất, đó là thái độ làm việc, tinh thần phục vụ, tính kỷ luật trong công tác và hiệu quả phục vụ Nhân dân.
Theo nội dung quy chế, các nhân viên cơ quan Nhà nước từ T.Ư đến địa phương trong khi làm việc, tiếp xúc với dân, giao tiếp, ứng xử phải nghiêm túc, lịch sự, tôn trọng, không được nói tục, không được nói tiếng lóng, không được quát nạt, phải ăn nói mạch lạc, rõ ràng, không được có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ.
 Cán bộ hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại Sở Tài chính Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Trang phục, quần áo phải lịch sự, gọn gàng. Khi nhân viên Nhà nước nghe điện thoại phải xưng họ tên, cơ quan công tác và không được ngắt điện thoại đột ngột. Trong công cuộc cải cách hành chính, việc xây dựng đội ngũ cán bộ và hoàn thiện cơ sở vật chất được chú trọng. Trụ sở cơ quan nhà nước được đầu tư xây dựng, nâng cấp đã phục vụ tốt hơn cho công tác của cán bộ, công chức, bộ phận tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính.
Tại các TP lớn, chính quyền địa phương đã thực hiện mô hình đánh giá cán bộ, công chức thông qua mức độ hài lòng của người dân và DN. Theo đó, khi đến làm việc tại các cơ quan Nhà nước, người dân và đại diện DN sẽ thể hiện mức độ hài lòng qua hệ thống điện tử. Chỉ số hài lòng của người dân và DN trong từng thời điểm là cơ sở để lãnh đạo các cấp có biện pháp bồi dưỡng, phát huy ưu điểm, chấn chỉnh, khắc phục khuyết điểm đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên.
Bộ phận “một cửa” là nơi thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với dân, là nơi thể hiện khá rõ nét văn hóa công sở. Cán bộ làm việc ở bộ phận này cần có thái độ mềm mỏng, hòa nhã, nắm vững quy định, nguyên tắc, thủ tục để hướng dẫn người dân cặn kẽ, tránh việc phải đi lại nhiều lần. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng người dân đến giao dịch còn gặp nhiều phiền hà.
2. Để hạn chế những hành vi lệch chuẩn và nâng cao chuẩn mực ứng xử của cán bộ, công chức hiện nay, cần đề ra những giải pháp hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân. Trước tiên, cần quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm những quy định, quy tắc ứng xử về văn hóa công sở; tuyên truyền, phổ biến; giúp cán bộ, công chức nhận thức đúng, hiểu rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm trong thực hiện văn hóa công sở nhằm giữ gìn hình ảnh cơ quan, đơn vị.
Tại nơi làm việc cần giải quyết công việc theo quy định, quy trình; thái độ niềm nở, không gây khó dễ hay thờ ơ, vô cảm; không gây bức xúc cho người dân; lấy hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá cán bộ. Ở nơi công cộng phải có thái độ đúng mực, phù hợp hoàn cảnh, điều kiện.
Bên cạnh đó, nên có chính sách kịp thời động viên, biểu dương nhằm lan tỏa những hành vi ứng xử đẹp, chuẩn mực của cá nhân công chức, viên chức và cơ quan nhà nước. Cần đưa việc thực hiện văn hóa ứng xử trở thành một trong những tiêu chí thi đua của cơ quan, đơn vị để đánh giá, bình xét cán bộ, công chức hàng năm.
Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá văn hóa công sở và thái độ công chức, viên chức cũng như những chế tài xử lý vi phạm ứng xử và có cơ chế khen thưởng đối với cá nhân, tập thể thực hiện tốt. Thực hiện phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" do Thủ tướng Chính phủ phát động, nhiều địa phương, TP đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn hóa văn minh, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của cán bộ, công chức viên chức, người lao động. Tuy nhiên, do hoàn cảnh, điều kiện, đặc thù từng loại hình công việc, thực hiện văn hóa công sở vẫn bộc lộ nhiều hạn chế.
Trong hành vi ứng xử của cán bộ, công chức trong cơ quan, nơi làm việc vẫn còn những biểu hiện thiếu văn hóa. Ðối với những công việc, ngành nghề phải thường xuyên tiếp xúc, giao tiếp với Nhân dân, vẫn còn những cách ứng xử nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn hoặc không đẹp mắt.
3. Trong thực tế, khái niệm “Văn hóa công sở” không chỉ là những biểu hiện bên ngoài công sở mà văn hóa công sở phải chứa đựng những giá trị cốt lõi công sở hướng đến ở hiện tại và tương lai. Giá trị văn hóa bên trong công sở là sự cộng hưởng giữa văn hóa chung của tổ chức và văn hóa của các cá nhân trong tổ chức đó, đó là nền nếp, tác phong làm việc khoa học, hợp lý, hợp pháp; là việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực công do Nhà nước cung cấp; ở đó luôn luôn tồn tại không khí dân chủ, bình đẳng; văn hóa công sở còn là sự cạnh tranh lành mạnh, phối hợp và trân trọng kết quả làm việc của các cộng sự; là sự tự hào của cá nhân về tổ chức và sự gắn bó tự thân, tích cực của các thành viên làm việc trong công sở, là ngôi nhà chung của các thành viên mà người ở trong không muốn bức ra và người bên ngoài có xu hướng muốn gia nhập làm thành viên; một yếu tốt quan trọng nhất đó là khát vọng cống hiến, được cống hiến và sự hài lòng của các thành viên trong công sở.
Thời gian gần đây, một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước tỏ ra thờ ơ, vô cảm trước nguyện vọng của công dân. Đây là một biểu hiện kém văn hóa của những người thực thi pháp luật. Bản thân pháp luật không biến con người thành gỗ đá mà chỉ có những người vô cảm mới biến pháp luật thành vô hiệu.
Bên cạnh đó, trong điều kiện dân trí và sự hiểu biết pháp luật của đại bộ phận người dân còn hạn chế; hệ thống pháp luật và các chính sách của Nhà nước ta chưa hoàn chỉnh, thì cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước ngoài việc áp dụng pháp luật còn có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu về chính sách, pháp luật.
Xây dựng và gìn giữ bầu không khí làm việc nơi công sở là một trong những điều quan trọng hiện nay. Không thể có một công sở văn hóa nếu trong nội bộ luôn tồn tại những căng thẳng, soi xét lẫn nhau; cấp dưới nghi ngờ cấp trên, cấp trên đề phòng cấp dưới. Không thể là văn hóa, nếu cán bộ, công chức khi làm việc chỉ để đến tháng nhận lương, ngoài ra không quan tâm đến những vấn đề khác.
Công sở là một môi trường xã hội thu nhỏ, ở đó mỗi cán bộ, công chức với sự tích cực của mình, họ sẽ tạo nên bầu không khí làm việc của công sở. Nếu không khí làm việc cởi mở, tin tưởng lẫn nhau sẽ khơi nguồn được sự sáng tạo của các thành viên và ngược lại, nếu bầu không khí nặng nề, căng thẳng sẽ là rào cản đối với hoạt động của công sở.
Ngày nay, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, cùng với nhận thức của người dân không ngừng được nâng lên, những biểu hiện thiếu văn hóa trong các cơ quan nhà nước sẽ là những rào cản cho sự phát triển chung của xã hội. Do đó nhận thức đúng đắn và tích cực xây dựng văn hóa công sở sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền hành chính công vụ hiện đại, hiệu quả và thân thiện với người dân.
Thời gian gần đây, phương cách giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ đã có những tiến bộ rõ rệt, tuy nhiên, vẫn cần hạn chế những tồn tại trong việc thực hiện văn hóa công sở ở mọi nơi mọi lúc.

Công sở là một môi trường xã hội thu nhỏ, ở đó mỗi cán bộ, công chức với sự tích cực của mình, họ sẽ tạo nên bầu không khí làm việc của công sở. Nếu không khí làm việc cởi mở, tin tưởng lẫn nhau sẽ khơi nguồn được sự sáng tạo của các thành viên và ngược lại, nếu bầu không khí nặng nề, căng thẳng sẽ là rào cản đối với hoạt động của công sở.


Phó Hiệu trưởng trường Quản lý khoa học công nghệ (Bộ Khoa học Công nghệ) - Giảng viên cao cấp, PGS.TS Đào Thị Ái Thi: Văn hóa công sở bắt đầu từ cổng bảo vệ

Văn hóa đầu tiên nơi công sở phải bắt đầu từ bảo vệ. Khi đi sang nước ngoài, tại một cơ quan của Hàn Quốc, tôi chứng kiến người bảo vệ cúi đầu chào khách khi ra về và cứ cúi mãi như thế cho đến khi khách đi khuất, bà lại càng thấy văn hóa công sở Việt Nam chưa được coi trọng. Bắt đầu bước vào cơ quan Nhà nước, người hạch sách khách đến, nói những lời lẽ khó nghe lại là những bác bảo vệ. Tôi không đánh đồng toàn bộ, nhưng tình trạng này xuất hiện khá nhiều ở các cơ quan công sở của Việt Nam.

Người làm việc công sở là đại diện của Nhà nước nên từ cổng bảo vệ đã phải là người có văn hóa rồi.

Văn hóa công sở có sự khác biệt với các văn hóa khác, vì người đang khoác áo công chức sẽ là đại diện hình ảnh của Nhà nước, nên trong giao tiếp phải có tính tổ chức, tính pháp lý, tính chuẩn mực và ở mối hệ nào thì phải có chuẩn mực đạo đức của quan hệ đó.


Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh): Nếu không có chế tài, thì quy định sẽ chỉ nằm trên giấy

Hà Nội từng có ý định quy định cụ thể trong bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức, viên chức ở Hà Nội: Cán bộ công chức đi làm việc phải mặc áo có ống tay, cổ áo, nếu mặc váy thì phải dài đến đầu gối, không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phải phù hợp...

Sau khi đưa ra, vì bị dư luận phản đối nên quy tắc này đã bị sửa đổi thành nội dung chung chung phải mặc trang phục công sở lịch sự, đầu tóc gọn gàng. Theo quan điểm của tôi, càng cụ thể thì càng dễ đưa việc ăn mặc nơi công sở vào quy củ.

Đặc biệt, xét về tính khả thi của bộ quy tắc ứng xử đối với công chức, viên chức, những người đang làm việc trong các cơ quan nhà nước thuộc TP Hà Nội thì bộ quy tắc này đương nhiên sẽ đạt hiệu quả vì những người này chịu sự chi phối mang tính pháp lý.

Vấn đề cần đặt ra quan trọng hơn là bộ quy tắc đã đưa ra chế tài đối với những trường hợp vi phạm như thế nào? Nếu có quy định mà không có chế tài thì quy định đó cũng chỉ tồn tại trên giấy. (Yến Nhi ghi)

Kinh tế đô thị cuối tuần