Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hóa doanh nghiệp - Nền tảng hay lực cản

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề “Văn hóa doanh nghiệp - nền tảng hay lực cản trong kỷ nguyên công nghệ và hội nhập quốc tế”, Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 600 người gồm các tổng giám đốc, giám đốc bộ phận, CEO... thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề.

Chiều ngày 7/12, tại Hà Nội, Liên đoàn Lãnh đạo trẻ thế giới tại Việt Nam chi hội Hà Nội - JCI, CLB Quản trị và Khởi nghiệp đã phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Văn hóa doanh nghiệp - nền tảng hay lực cản trong kỷ nguyên công nghệ và hội nhập quốc tế”. Hội thảo nhằm khai phá tầm quan trọng của Văn hóa doanh nghiệp cho các nhà điều hành kinh doanh cũng như chia sẻ về cách xây dựng nhân tố quan trọng này nhằm tạo ra môi trường gắn kết, giữ chân nhân tài, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
 
Hội thảo có sự tham gia của nhiều diễn giả nổi tiếng như: ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Rynan Agrifoofds, nguyên Chủ tịch Mỹ Lan Group, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Thế giới di động và ông Phan Văn Trường - nguyên Chủ tịch Alsthom châu Á, nguyên Chủ tịch Suez Đông Nam Á. Các diễn giả sẽ chia sẻ những góc nhìn riêng của mình về văn hóa doanh nghiệp cũng như cách xây dựng văn hóa trong doanh nghiệp - tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, để xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, tiêu chí chọn nhân viên phải là người có bản chất cầu tiến rồi mới tính đến kỹ năng chuyên môn. Ông cũng đưa ra nhiều giải phá nhằm xây dựng kỷ cương làm việc. “Tôi hiểu rằng, văn hóa daonh nghiệp phải có trước khi hình thành một doanh nghiệp, bởi văn hóa của một doanh nghiệp xuất phát từ cái tâm tốt của người khởi nghiệp”, ông Nguyễn Thanh Mỹ nhấn mạnh.
 
Còn với ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Thế giới di động, văn hóa doanh nghiệp là một tập hợp tầm nhìn, niềm tin, giá trị của một doanh nghiệp theo đuổi và văn hóa doanh nghiệp không phải khẩu hiệu ghi trên giấy, nó phải được thể hiện rõ ràng từ người lãnh đạo làm gương cho cấp dưới. Thế giới di động có văn hóa thượng tôn khách hàng và văn hóa đặt nhân viên trên cổ đông. Khách hàng yêu mến thương hiệu Thế giới di động, còn nhân tài trung thành, gắn bó và cống hiến hết mình với công ty. “Nhiều năm trước, nếu nghe đến văn hóa doanh nghiệp, tôi sẽ đút tay vào túi quần và bỏ đi. Nhưng bây giờ, tôi liên tục nói về nó, dành thời gian cho nó. Đó là niềm tự hào, là sự khác biệt đã góp phần tạo sức mạnh đưa Thế giới di động phát triển như ngày hôm nay”, ông Nguyễn Đức Tài khẳng định.

Ông Phan Văn Trường - nguyên Chủ tịch Alsthom châu Á, nguyên Chủ tịch Suez Đông Nam Á lại khẳng định, văn hóa doanh nghiệp có tác động mạnh như một “cơn say tín ngưỡng”. Nó ảnh hưởng đến mọi hành động hàng ngày, dẫn dắt gần như máy móc mọi phản ứng và làm cho người không tuân thủ mặc cảm tội lỗi. “Văn hóa doanh nghiệp và phần quan trọng nhất trong khâu quản trị. Văn hóa doanh nghiệp sẽ là nền tảng phát triển hay lực cản cũng là do tầm nhìn của người lãnh đạo định hướng mà ra”, ông Phan Văn Trường nhấn mạnh.

Sau phần trình bày của các diễn giả, với sự điều phối của ông Trần Bằng Việt - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp phát triển Đông A, nguyên Tổng Giám đốc Mai Linh Taxi, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức, trải nghiệm về quản trị, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp thực sự trở thành nền tảng cho sự phát triển trong kỷ nguyên công nghệ và hội nhập quốc tế.