Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hóa giao thông, tại sao?

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày cuối cùng của tháng Ba vừa rồi, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết Vì An toàn giao thông Thủ đô năm 2017.

Kết quả đáng khích lệ của cuộc thi với sự tham gia của đông đảo bạn viết, bạn đọc Hà Nội và cả nước chứng tỏ an toàn giao thông nói chung và xây dựng văn hóa giao thông nói riêng vẫn là vấn đề được xã hội quan tâm, mang tính thời sự. 

Trong những kết quả mà cuộc thi đạt được từ nhiều năm qua cũng như trong năm 2017, có việc góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành luật lệ giao thông, xây dựng chuẩn mực về văn hóa giao thông. Từ năm 2018, cuộc thi có tên gọi mới Chương trình truyền thông Vì an toàn giao thông Thủ đô, chắc chắn sẽ mang lại những kết quả đáng phấn khởi hơn.

 Đường Nguyễn Chí Thanh sau khi cắt xén giải phân cách giữa. Ảnh: Phạm Hùng

Theo báo cáo của Ban tổ chức, trong số hơn 30.000 bài tham gia cuộc thi, có khá nhiều bài viết đề cập tới vấn đề văn hóa giao thông. Điều này cho thấy, nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa giao thông cũng là một vấn đề được xã hội quan tâm. Phát biểu tại buổi lễ, ghi nhận những tác động tích cực của cuộc thi nói chung và những đóng góp vào việc nâng cao ý thức, xây dựng và chấp hành văn hóa giao thông nói riêng, vị lãnh đạo TP đã chỉ ra cần phải có nhiều cố gắng hơn trong lĩnh vực này. Rõ ràng, cả các cơ quan chức năng, dư luận, công luận đều rất quan tâm đến việc xây dựng, thực thi văn hóa giao thông. Một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao một vấn đề được cả xã hội quan tâm, thậm chí được coi là một trong những giải pháp quan trọng để giải quyết ùn tắc và tai nạn giao thông, được đề cập từ nhiều năm nay mà kết quả dù đáng ghi nhận song so với mong đợi, xem ra còn khoảng cách không nhỏ.

Nguyên nhân của tình trạng trên có vẻ như không khó nhận biết. Trước hết, phải kể đến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông không nghiêm. Ai cũng có thể chỉ ra những biểu hiện của tình trạng này, mà dễ thấy nhất là vượt đèn đỏ, đi sai làn, đi vào đường ngược chiều, đường cấm, xe máy lao lên vỉa hè… Đây là nguyên nhân thuộc về chủ quan người dân, từng được chỉ ra, phê phán nhiều lần, nhưng vẫn chưa chấm dứt. Phân tích sâu một chút, tại sao có tình trạng này? Câu trả lời cũng không mới, đó là pháp luật không nghiêm, lực lượng thực thi pháp luật còn có biểu hiện nể nang, thậm chí có hành vi tiêu cực, dẫn đến nhờn luật. Đó là chưa kể tình trạng người tham gia giao thông, dù muốn cũng không thể chấp hành luật một cách nghiêm túc. Ví dụ như người đi bộ phải đi trên vỉa hè. Rất buồn là dù có nhiều cuộc vận động, nhiều chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, mà rầm rộ, quyết liệt nhất là chiến dịch do quận I, TP Hồ Chí Minh đi đầu năm 2017 với cái kết không vui là việc Phó Chủ tịch quận Đoàn Ngọc Hải xin từ chức, tình trạng vẫn không cải thiện được bao nhiêu. Như vậy, vấn đề không còn chỉ thuộc chủ quan người dân, mà đã liên quan đến cả các cơ quan chức năng, các lực lượng thi hành công vụ.

Một yếu tố khác cũng đã được kể đến là thái độ ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Đó là nhường nhịn, hỗ trợ nhau, là sự bình tĩnh, ôn hòa khi không may xảy ra va chạm… Với những tiêu chí này, có thể thấy rõ mối quan hệ giữa văn hóa giao thông với văn hóa ứng xử nói chung trong đời sống xã hội. Một người trong cuộc sống thường nhật có cách ứng xử văn hóa, thượng tôn pháp luật, thì chắc chắn trong khi tham gia giao thông sẽ không phóng nhanh, vượt ẩu, luồn lách, đánh võng… Cũng với góc nhìn này còn có thể chỉ ra mối quan hệ giữa văn hóa giao thông với văn hóa trong nhiều lĩnh vực khác, từ văn hóa gia đình, cộng đồng, họ tộc, trường học, cơ quan… đến những lĩnh vực ở tầm vĩ mô văn hóa tổ chức, văn hóa lãnh đạo… Có người đã so sánh hiện tượng phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm trong tham gia giao thông với những vụ thăng tiến một cách thần tốc trong quan lộ của một số nhân vật, coi đây cũng là một hiện tượng “phóng nhanh vượt ẩu” trong đời sống chính trị đã bị xử lý nghiêm. Tất nhiên mọi so sánh đều không hoàn toàn chính xác, nhưng ít ra từ sự liên hệ này, cán bộ, Nhân dân và những người có tâm huyết với việc xây dựng văn hóa giao thông có thêm niềm tin rằng việc thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XII, đưa ra ánh sáng và nghiêm trị những hành vi tham nhũng, coi thường pháp luật trong đời sống chính trị, xã hội, kinh tế… sẽ có tác động tích cực đến việc xây dựng và thực hiện văn hóa giao thông.

Từ những suy nghĩ trên, có thể khẳng định lại một ý tưởng không mới. Đó là xây dựng văn hóa giao thông cần tiến hành một cách căn cơ, lâu dài, cùng lúc với việc xây dựng đời sống văn hóa xã hội nói chung. Nói cách khác, khi xây dựng, kiến tạo thành công một cộng đồng xã hội có chất lượng sống tốt, văn minh, thượng tôn pháp luật…, văn hóa giao thông sẽ tự hình thành và được tôn trọng.