[Văn hóa Hồ Chí Minh sáng mãi với đời thường] Bài cuối: Bác không lên xe kết hoa

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hồ Chí Minh là một nhà văn hóa lớn chính bởi sự kết hợp hài hòa giữa dân tộc với quốc tế, giữa giai cấp với nhân loại, giữa truyền thống với hiện đại trên cơ sở chủ nghĩa nhân văn vì hạnh phúc và sự hoàn thiện của con người. Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19/5/1890 - 19/5/2020), Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt ghi chép Văn hóa Hồ Chí Minh sáng mãi với đời thường.

Bài cuối: Không lên xe kết hoa

Năm 1961 “đỉnh cao muôn trượng”, Nghệ An long trọng tổ chức đón Bác về thăm quê lần 2. Bấy giờ Trụ sở Tỉnh ủy đã chuyển về Trụ sở của Liên khu ủy IV vừa giải thể (vị trí Sở Công Thương Nghệ An - đường Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay)

Bấy giờ cả Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ có 2 chiếc xe cũ, lãnh đạo tỉnh quyết định mượn chiếc xe mới của Quân khu IV, lại còn lấy ga trắng trải trong xe và kết hoa quanh xe ra sân bay Vinh đón Bác.
Bác Hồ tại sân bay Vinh khi Người về thăm quê lần thứ 2.
Lúc này đồng chí Võ Thúc Đồng từ Chính ủy Trung đoàn được T.Ư điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, trước hôm Bác về thăm quê lần 2 đồng chí Võ Thúc Đồng hỏi ông Phượng (Nguyễn Văn Phượng - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An - PV): 
- Lần thứ nhất Bác về thăm quê cậu có nghe các anh T.Ư đi với Bác cho biết tại sao năm 1957 giữa lúc Nghệ An đang buồn do thiên tai bão lụt, do sai lầm trong cải cách ruộng đất, Bác lại quyết định về thăm quê sau 50 năm xa cách?

- Thưa anh, tôi không được nghe, nhưng anh đã hỏi thì tôi có trách nhiệm sẽ hỏi anh Vũ Kỳ thư ký của Bác!

Đúng 12 giờ 30 phút ngày 8/12/1961 máy bay chở Bác đáp xuống sân bay Vinh, các đồng chí Chu Huy Mân - Chính ủy Quân khu IV, Võ Thúc Đồng - Bí thư Tỉnh ủy, Võ Trọng Ân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mời Bác lên chiếc xe kết hoa. Bác nhìn khắp lượt rồi bất ngờ bước nhanh đến chiếc xe U oát của bộ phận bảo vệ và ngồi lên ghế phía trước, Bác bảo các đồng chí bảo vệ tháo cất tấm bạt để Bác vẫy đồng bào đang đứng hai bên đường đón Bác.

Tình huống bất ngờ ngoài dự kiến, lại diễn ra quá nhanh, thế nên khi chiếc xe mui trần chở Bác đã bon bon vào Vinh, bấy giờ những người ra đón mới cuống cuồng lên xe. Thôi thì gặp xe nào lên xe nấy cho kịp với chiếc xe của Bác, cuối cùng chỉ còn chiếc xe kết hoa rớt lại sau. Cụ Lê Nhu - Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Nghệ An cùng mấy người chậm chân đành ngồi lên chiếc xe sang trọng. Chẳng là cụ Lê Nhu da dẻ cũng hồng hào, râu tóc cũng bạc phơ nên nhiều người dân vì chưa được gặp Bác bao giờ, cứ kháo rằng xe U oát đi trước chở nhân vật đóng giả Bác Hồ, người ngồi trong chiếc xe kết hoa sang trọng kia mới là Bác Hồ thật. Vậy nên khi xe chở Bác đã về gần tới Trụ sở Tỉnh ủy, bấy giờ chiếc xe kết hoa chở cụ Lê Nhu rớt lại cuối đoàn mới ra tới QL1A đoạn từ ngã ba Quán Bánh vào trung tâm thị xã Vinh giữa rừng người dọc hai bên đường chờ đón Bác. Cụ Lê Nhu ngồi trên xe nghe tiếng hô dậy trời “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!” thì bèn thò đầu ra nói to:

- Không phải mô, tui là Lê Nhu. Xe chở Bác Hồ về trước rồi!

Trong khi các đồng chí Tỉnh ủy và Quân khu IV đang tập trung tại Nhà khách đã được trang hoàng cờ hoa lộng lẫy, thì Bác bước xuống xe bảo đồng chí Võ Thúc Đồng - Bí thư Tỉnh ủy, dẫn Bác vào nhà ăn tập thể cơ quan. Bác tự tay nâng chiếc lồng bàn trong đó đã bày cơm trắng và mấy món ăn thịnh soạn, Bác nói với đồng chí Võ Thúc Đồng:

- Cơ quan cho anh em ăn tốt đấy chứ?

- Thưa Bác! Hôm nay Bác về thăm quê, cơ quan quyết định cho anh em cải thiện, ngày thường không có đâu ạ!

Năm 1960 Bác đề xuất chủ trương ăn độn, kêu gọi cả nước thắt lưng buộc bụng, chi viện lương thực cho chiến trường miền Nam, Bác gương mẫu thực hiện trước. Trưa ấy Nhà khách Tỉnh ủy chuẩn bị bữa tiệc đón Bác gồm mấy chục suất ăn thịnh soạn, gần đến giờ khai tiệc thì văn phòng nhận thông tin: Trưa nay Bác dùng cơm với Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sỹ Quế tại phòng riêng của Bác.

Văn phòng Tỉnh ủy hỏi đồng chí Nguyễn Khai - Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư tháp tùng Bác, đồng chí Nguyễn Khai bảo:

- Anh Đồng, anh Quế được ngồi với Bác, các cậu mang cơm nước lên!

Ông Phượng xuống nhà bếp lấy cơm và thức ăn, trong đó có 2 món cà Nghi Lộc và tương Nam Đàn, chọn 4 đôi đũa và mấy chiếc bát chiếc đĩa in rồng bay phượng múa đẹp nhất bếp cơ quan mang lên phòng Bác. Mọi thứ được bày soạn tươm tất trên bàn. Khi các đồng chí Nguyễn Khai, Võ Thúc Đồng, Nguyễn Sỹ Quế chuẩn bị cầm bát xới cơm do Văn phòng Tỉnh ủy bố trí, Bác ngăn lại và lấy ra gói cơm độn ngô cắt làm 4 miếng:

- Trước khi ăn cơm chung Bác mời các chú ăn một lát cơm với cá rô kho của Bác mang từ Hà Nội vào, Bác chỉ có chừng này thôi, những thứ trên bàn là của chú Đồng, chú Quế!

Bác cùng 3 người ăn hết gói cơm độn ngô, sau đó mới dùng đến cơm do Văn phòng chuẩn bị. Bác khen cà Nghi Lộc ngon, tương Nam Đàn tốt, bữa đó văn phòng chuẩn bị quá nhiều các món ăn, Bác bảo:

- Cơm trắng, thức ăn của chú Đồng, chú Quế ngon, anh em đã chuẩn bị thì trách nhiệm chúng ta phải ăn hết, không được để thừa cái gì!

Cuối cùng chỉ còn “chủ nhà” là ông Đồng, ông Quế tuân thủ lời Bác phải “bám trụ chiến đấu” bằng hết món cà Nghi Lộc và tương Nam Đàn, đồng chí Nguyễn Khai không thể nói gì hơn chỉ biết bấm bụng cười! Lát sau đồng chí Võ Thúc Đồng xuống gặp ông Phượng:

- Bữa ni các cậu làm hại mình, không biết lấy nước mô mà uống!

Ông Phượng cười:

- Vì nghĩ Bác cũng như anh em ta, ăn không hết thì mang vào!

- Không đơn giản thế, Bác bắt chúng mình phải ăn kỳ hết mới thôi!

Câu hỏi của đồng chí Võ Thúc Đồng ngày ấy, mãi đến 26 năm sau, ngày 19/8/1987 khi đồng chí Vũ Kỳ vào làm việc tại Nghệ An, ông Phượng mới có dịp đưa ra hỏi trước Hội nghị Tỉnh ủy, đồng chí Vũ Kỳ vui vẻ trả lời:

- Câu hỏi rất lý thú! Trước đó Bộ Chính trị đã thông qua chương trình: Đầu tháng 7/1957 Bác đi thăm, cảm ơn các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, Bác nói: Ta về thăm quê ta trước, rồi sẽ đi thăm quê chung. Ngày 1/7 Bác đi Bắc Kinh, 5/7 đi Triều Tiên, tiếp đó Bác đi một loạt nước cho đến ngày 31/7/1957 Bác trở về Hà Nội họp Ban chấp hành T.Ư...

Trọn một buổi sáng tôi được ông Phượng kể về 3 lần được gặp Bác. Tiễn tôi ra cổng ông nói:

- Mình sắp vào tuổi bát tuần, nhiều đêm cứ ngậm ngùi lời Bác nói “Các chú hãy cất chiếc ghế gụ đi để Bác ngồi chung với mọi người!”. Chuyện mình kể, Nhà báo viết thành bài đăng để nhiều người đọc nhé!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần