[Văn hóa thăm bệnh - Từ nét đẹp thành nỗi lo] Bài 1: Báo động đỏ từ những ổ dịch siêu lây nhiễm

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam, nhiều chùm ca bệnh lây nhau trong môi trường bệnh viện (BV), trong đó nhiều người nhà thăm bệnh bị lây khiến dịch lan rộng ra cộng đồng. Đây cũng là dịp để mỗi người dân nhìn nhận lại và thay đổi văn hóa thăm bệnh của mình, không chỉ phòng tránh dịch Covid-19 mà nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác. Bên cạnh đó, việc thăm bệnh thiếu văn minh còn đe dọa đến an ninh trật tự, an toàn cho BV và cho cộng đồng.

Dịch Covid-19 đã tái bùng phát tại Việt Nam sau 99 ngày cả nước không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Lần này, BV Đà Nẵng trở thành ổ dịch siêu lây nhiễm. Đây là bài học xương máu để các cơ sở y tế siết chặt nội qui chăm bệnh, thăm bệnh cũng như phòng chống lây nhiễm chéo trong BV.
Nguồn lây nguy hiểm
Đại dịch Covid-19 là tảng băng siêu lớn chứa virus SARS-CoV-2 siêu nhỏ, có khả năng lây lan cực mạnh, đang bùng nổ ở các quốc gia, xuất phát từ Trung Quốc, lan sang toàn châu Á, đến châu Âu, Mỹ, Trung Đông, rồi đến châu Phi. “Quả bom” virus này đe dọa sự an toàn của toàn thế giới.
Tại Việt Nam, ổ dịch siêu lây nhiễm lần này xuất phát từ BV Đà Nẵng, lan đến nhiều BV lân cận cùng nhiều địa phương khác như Quảng Nam, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, Hà Nam, Thái Bình và cả Thủ đô Hà Nội. Đau lòng hơn, đợt dịch này đã có nhiều ca tử vong, hàng chục ca bệnh đang nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. Nhiều thai phụ là người nhà bệnh nhân cùng nhiễm bệnh, nhiều gia đình cả vợ chồng, con cái đều dương tính với Covid-19, điển hình 7 người trong một gia đình tại Lưu Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đều nhiễm bệnh. Hàng trăm trường hợp F1 tại địa phương này đã được đưa đi cách ly, toàn khu vực bị phong tỏa.
Ổ dịch siêu lây nhiễm tại BV Đà Nẵng đã lan rộng ra nhiều địa phương khác trên cả nước
Chưa dừng lại ở đó, chùm ca bệnh ở BV Đà Nẵng cùng F1, F2 đã di chuyển khắp các tỉnh, thành trên cả nước, nguy cơ dịch lan rộng trong những ngày tới là điều khó tránh khỏi. Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, ổ dịch tại BV Đà Nẵng lần này rất nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn trên toàn quốc.
Theo thông tin Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Đà Nẵng cung cấp, có nhiều người là bệnh nhân đang điều trị tại BV, nhưng cũng có nhiều bệnh nhân lây nhiễm là do đi thăm bệnh, tiếp xúc với nhiều người tại BV. Đơn cử, bệnh nhân 596, nữ, 23 tuổi, vào khoa Ngoại chấn thương thần kinh, Bệnh viện C Đà Nẵng thăm người bệnh. Bệnh nhân 593, nam, 75 tuổi, thăm vợ điều trị khoa Nội - Thận - Nội tiết. Bệnh nhân 595, nữ, 50 tuổi, ngày 19/7/2020, bệnh nhân tới Bệnh viện Đà Nẵng thăm bố và có tiếp xúc với bệnh nhân 510...
Nhớ lại, ổ dịch Covid-19 lớn ở Hà Nội hồi tháng 3 xảy ra tại BV Bạch Mai với nhiều ca mắc trong BV rồi lây lan ra cộng đồng. Bệnh nhân, người nhà chăm, thăm bệnh nhân từ BV trở về địa phương đã mang theo virus về thôn Hạ Lôi (huyện Mê Linh), thôn Đông Cứu (huyện Chương Mỹ) cùng các tỉnh, thành khác như Hà Nam, Thái Nguyên… với nhiều ca dương tính.
Rà soát từ trong, bao lưới từ ngoài
Bác sĩ Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho hay, ngay từ đầu tháng 1/2020, khi Việt Nam chưa xuất hiện ca nhiễm Covid-19, Bệnh viện Đà Nẵng đã rất chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh. Nhưng đợt dịch lần này bùng phát, lan rộng trên nhiều tỉnh, thành cả nước, BV không lường trước được. Theo thống kê của BV Đà Nẵng, trong giai đoạn xuất hiện vụ dịch lần này, có khoảng 11.000 người đã đến Bệnh viện Đà Nẵng. Những người này đến khám chữa bệnh, thăm và chăm sóc người nhà, sau đó trở về các địa phương trở thành nguồn lây trong cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thăm các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nguy cơ lây nhiễm chéo có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở bất cứ loại bệnh nào. Đó là sự lây truyền vi khuẩn hoặc virus giữa người với người. Sự lây nhiễm chéo có thể xảy ra trong BV, giữa người bệnh Covid-19 với người bệnh bình thường, giữa người bệnh với thầy thuốc, giữa thầy thuốc và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân... Nguy cơ lây nhiễm chéo đáng sợ nhất có thể kể đến khi người bệnh vào BV mà không được phát hiện, kiểm soát triệt để; khi người nhà vào thăm bệnh rồi mang virus từ BV về nhà, lây cho gia đình và cộng đồng.
Ông Phu cho rằng, để hạn chế lây nhiễm chéo phải tiến hành song song hai mũi “từ trong rà soát ra” và mũi “bao lưới từ ngoài vào”.
Theo đó, kiểm soát chặt chẽ tình trạng bệnh của người nhập viện. Việc này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, không chỉ trong mùa dịch Covid-19 mà quanh năm Việt Nam luôn tiềm ẩn nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Đối với người nhà chăm bệnh, người thân thăm bệnh cũng phải được kiểm soát thân nhiệt và lịch trình di chuyển, phòng tránh trường hợp đi từ ổ dịch, vùng dịch đến.
Để thực hiện được điều này, theo PGS.TS Phu, nhất thiết phải được thực hiện từ hai phía, cả cơ sở y tế và sự chủ động, ý thức tự giác phòng dịch của mỗi người dân.
Bài học từ nhiều vụ dịch nguy hiểm
Chuyện bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bị lây nhiễm chéo đã báo động từ nhiều năm trở lại nay, nhất là tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp. Còn nhớ vụ dịch sởi năm 2014 khiến hàng trăm trẻ tử vong, có nhiều nguyên nhân, trong đó là việc lây nhiễm chéo trong BV, điển hình là tình trạng lây nhiễm chéo tại BV Nhi T.Ư. BV này thời điểm đó đã trở thành ổ dịch siêu lây nhiễm, khiến tỷ lệ trẻ nhiễm bệnh và tử vong tăng một cách đáng sợ. Bộ Y tế lúc bấy giờ đã yêu cầu hệ thống y tế phân tuyến điều trị và tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư: “Trong chống nhiễm khuẩn BV, nhiệm vụ của ngành y tế là hàng đầu, nhưng cũng cần sự vào cuộc của các ngành khác và ý thức chấp hành của người dân”. Cũng theo ông, khi bệnh nhân bị ốm, mắc bệnh truyền nhiễm đang ra cần cách ly thì do phong tục tập quán, thói quen của người Việt - quá nhiều người đến thăm mang thêm vi khuẩn vào BV và ngược lại, mang virus, vi khuẩn từ BV ra cộng đồng.
Hà Nội tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho những trường hợp trở về từ Đà Nẵng.
Đáng báo động nhất là dịch Covid-19 lần này khó kiểm soát bởi tình hình lây chéo trong các cơ sở y tế. Và cuộc chiến chống dịch Covid-19 dự báo sẽ còn nhiều cam go, gian khổ khi virus đã biến chủng khó lường, số ca mắc và tử vong tăng nhanh.
Bởi vậy, việc đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong BV đang là nhiệm vụ cấp bách được đặt lên hàng đầu đối với các cơ sở y tế trong thời điểm này. Đấy cũng là hồi chuông báo động về việc siết chặt an toàn, nội qui BV cả cơ sở y tế, thầy thuốc, bệnh nhân, người nhà và người thăm bệnh.
(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần