[Văn hóa thăm bệnh - Từ nét đẹp thành nỗi lo] Bài 2: Bi hài chuyện thăm bệnh

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thăm bệnh và chăm bệnh là nhu cầu chính đáng của mỗi người khi có người thân nằm viện. Nhưng, cách thăm bệnh thế nào để vừa thể hiện được tình cảm với người bệnh, vừa đảm bảo yên tĩnh cho người bệnh, an toàn cho bệnh viện (BV) và cộng đồng không phải ai cũng thực hiện được.

"Không thăm sao đành"!

Đến BV để thăm hỏi, an ủi, động viên người bệnh hoặc bày tỏ niềm vui khi một em bé mới chào đời... vốn là thói quen, là truyền thống lâu đời của người Việt. Tuy nhiên, mục đích tốt ấy đôi khi lại ẩn chứa nguy cơ đối với sức khỏe và phiền toái cho cả người bệnh lẫn người thăm. Không phải không có lý do khi nhiều BV ở các nước tiên tiến có những qui định ngặt nghèo và hạn chế tối đa người thăm bệnh.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hàng ngày đón lượng lớn sản phụ đến khám cũng như người nhà thăm, chăm bệnh nhân
Chị Nguyễn Thúy An (Văn Quán, Hà Đông) sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Chị được mẹ đẻ, chồng và em gái thường xuyên túc trực ở BV để chăm lo. Vì qui định của BV chỉ được cho một người nhà vào chăm sản phụ, nên chồng và em gái chị phải vạ vật ngoài hành lang, ghế đá, lang thang quán nước chè, café để sẵn sàng vào thay ca hoặc tiếp tế lúc cần. Ban đêm cũng vậy, dù có em gái vào thay ca, thì cả chồng và mẹ chị đều không chịu về nhà nghỉ ngơi mà trải chiếu nằm ở hành lang vì lo “lỡ có chuyện gì...”.
Không chỉ những người thân trong gia đình chị túc trực suốt nhiều ngày tại BV, mà bạn bè, đồng nghiệp cũng lần lượt đến thăm mẹ con chị. Nhiều người quan niệm, khi sản phụ về nhà thì không nên đến thăm khi bé chưa qua mốc 1 tháng tuổi, vậy nên phải tranh thủ thăm lúc nằm viện. Theo bác sĩ Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, về mặt y khoa, phụ nữ vừa trải qua cuộc vượt cạn, gắng sức rất lớn, rất gian nan, mệt nhọc nên cần nhất là sự nghỉ ngơi.
Ngoài việc chăm sóc sản phụ, những người thân khác cũng như bạn bè, đồng nghiệp đến thăm nên cân nhắc để có cách quan tâm phù hợp hơn, không hẳn đến thăm trực tiếp là hay. BV là nơi cần sự yên tĩnh, sạch sẽ, an toàn, nhất là đối với em bé sơ sinh, sức đề kháng còn yếu, những người đến thăm có thể vô tình mang virus, vi khuẩn từ bên ngoài vào BV, có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Hành lang, ghế đá đều trở thành nơi ngả lưng của người nhà đến thăm bệnh, chăm bệnh khiến không gian BV càng trở nên ngột ngạt.
Bà Nguyễn Thị Hợi (quê Thanh Chương, Nghệ An) điều trị tại BV Việt Đức hơn một tuần. Không chỉ con và cháu bà ra chăm, mà thường xuyên có nhiều người thân, hàng xóm bắt xe khách ra tận BV để thăm bà. Khi được hỏi vì sao không để sau khi bà Hợi khỏi bệnh, về nhà đã mới đến thăm mà phải “lặn lội” ra Hà Nội, bác Nguyễn Văn Tuấn - hàng xóm với bà Hợi cho biết: “Người quê chúng tôi coi trọng tình cảm, người ốm người đau nằm viện ra tận BV thăm thể hiện sự quan tâm, chu đáo. Lúc nằm viện, người bệnh thường tủi thân, nên cần động viên họ”. Bởi vậy, hầu như ngày nào bà cũng được nhiều người đến thăm, nào là con cháu, người quen ở Hà Nội, hàng xóm láng giềng trong quê ra...
Nỗi lòng từ hai phía
Có thể nói, đến thăm hỏi, động viên người bệnh đang điều trị là nét đẹp văn hóa của người Việt, thể hiện sự quan tâm, đùm bọc, chăm sóc nhau. Nhưng cũng nhiều người cho rằng, môi trường BV cần an toàn, sạch sẽ, yên tĩnh, chỉ nên cho người nhà đến chăm bệnh, còn người thân không nên đến thăm bệnh. Chờ người bệnh khỏi ốm, về nhà rồi hãy đến thăm. Đặc biệt ở những BV tuyến đầu, lượng bệnh nhân lớn, chủ yếu các ca bệnh nặng, nên hạn chế việc thăm bệnh để tránh lây nhiễm chéo trong BV.
Đề cập đến vấn đề này, chị Lương Ngọc Thảo (phường Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Việc thăm hỏi người bệnh là tốt, bởi người bệnh cũng cần động viên, an ủi, cần được quan tâm. Nhưng người dân nên thay đổi cách thăm hỏi, thay vì đến BV thì chờ người bệnh khỏi bệnh trở về, còn khi nằm viện chỉ nên nhắn tin hỏi thăm, động viên nhau. Trong thời buổi dịch Covid-19 này, nhiều người còn tổ chức đám cưới online xuyên biên giới cơ mà”.
Cảnh người nhà bệnh nhi mệt mỏi, vạ vật chờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi T.Ư
Còn đối với người bệnh, tâm lý lúc ốm đau luôn muốn được người thân, bạn bè quan tâm, nếu không sẽ cảm thấy cô đơn, tủi thân. Nhưng theo anh Trần Trường Giang (phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội): “Người bệnh cũng nên nghĩ cho những người xung quanh mình, họ đều đau ốm phải nằm viện, cần sự yên tĩnh, nếu giường bệnh nào cũng liên tục 5 - 7 người đến thăm chả khác thành cái chợ. Tôi cũng đã từng nằm viện, mệt bã người muốn nằm nghỉ. Người đến thăm vừa ồn vừa đông, mỗi người hỏi một câu phiền cả người cạnh bên”.
Chị Nguyễn Thị Hoa (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) kể câu chuyện mẹ chị nằm viện cách đây chưa lâu: “Quá nhiều người quan tâm, mình từ chối thì không đành, mà để người thân đến thăm nhiều thật phiền vô cùng, mẹ tôi mệt mỏi, không ăn, không ngủ được vẫn phải cố gắng tiếp chuyện khách. Còn chúng tôi cười như mếu vì chăm lo cho mẹ không mệt bằng tiếp khách, khách ở quê ra còn phải hướng dẫn chỗ ăn, chỗ nghỉ”.
Còn chị Phan Thùy Dương (Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ, hồi chị sinh mổ, vừa đau vừa mệt, ống tiểu còn chưa rút, sữa chảy ướt áo, nhưng vẫn ráng lấy chăn che che đậy đậy để tiếp khách đến thăm. “Biết người thân, bạn bè có lòng, quan tâm đến mình, nhưng quả thật trong tình huống đó tôi không muốn gặp ai cả. Vậy những vẫn phải cố, người đến thăm họ cũng phải bố trí công việc, thời gian, đến chia sẻ, chúc mừng mình” - chị Dương nói.
Còn với người đến thăm, nhiều ý kiến cho rằng, không thăm thì nghĩ mình vô tâm, sống “không biết điều”, không tình cảm, đi thăm thì cảm thấy phiền cho người bệnh. Thôi thì đành làm phiền họ một chút để đỡ mang tiếng không biết điều.

Hãy giữ sạch sẽ, yên tĩnh, an toàn cho bệnh viện

Tôi nghĩ, đã đến lúc cần thay đổi văn hóa thăm người bệnh. Người ốm đau, đặng biệt mang trọng bệnh phải nằm viện dài ngày ai cũng cần sự quan tâm của người thân, nhưng có nhiều cách thể hiện sự quan tâm. Không phải khi bệnh nhân nằm viện là kéo nhau vào thăm, vừa làm phiền những giường bệnh xung quanh, vừa làm phiền cho chính bệnh nhân và cả người chăm bệnh. Ngoài ra, phòng bệnh cần giữ vệ sinh sạch sẽ, cứ người ra người vào dễ bị nhiễm khuẩn BV.

Nhưng khổ nỗi, người Việt Nam mình có thói quen, cứ nghe người ốm là rồng rắn kéo nhau đến thăm. Vừa sinh xong cũng vào thăm. Vừa mổ xong cũng thăm. Có khi đi cả một đoàn, như biểu dương lực lượng vậy. Hình như có vào tận nơi thăm thì người ta mới thấy khỏi áy náy, mới thấy mình làm tròn bổn phận. Trong khi người ốm rất cần nghỉ ngơi, thậm chí cách ly với môi trường bên ngoài để tránh nhiễm khuẩn.

Anh Nguyễn Hùng Anh (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình Hà Nội)

Cơ hội để thay đổi

Thăm hỏi, chia sẻ với người ốm đau là một nét đẹp, một việc nên làm. Nhưng cũng nên làm thế nào cho khéo, cho phù hợp, chứ không nhất thiết cứ phải kéo nhau đến BV, vào tận phòng bệnh như vậy. Có những trường hợp bệnh nhân phải nằm viện lâu ngày, buồn, mong có người đến chơi, thì có thể một, hai người vào thăm, ngồi trò chuyện. Còn với những trường hợp bệnh nặng, nhất là vừa mới mổ…thì nên hạn chế người ngoài vào thăm. Vừa tránh cho bệnh nhân đỡ mệt, vừa tránh nhiễm khuẩn, lại đỡ cho BV không bị quá tải bởi khách vào thăm. Ở khoa của tôi cũng xảy ra tình trạng đông người nhà đến thăm bệnh nhân, chúng tôi cũng thường xuyên phải nhắc khéo giữ trật tự, giữ vệ sinh và để người bệnh nghỉ ngơi.

Dịch Covid-19 lần này là dịp để người dân, người nhà, người thăm bệnh phải thay đổi thói quen bấy lâu. Đây cũng là dịp cảnh báo để các BV phải siết chặt hơn nội qui ra – vào BV.

Bác sĩ Lê Văn Thành

Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, BV Ung bướu Hà Nội

>>> Bài 1: Báo động đỏ từ những ổ dịch siêu lây nhiễm