Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Văn hóa từ thiện - cùng bàn và làm] Bài 2: Đi vào thực chất, bớt hình thức

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi hội thảo “Từ thiện phát triển - Xu hướng và văn hóa từ thiện trong và sau Covid-19”, bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Chúng ta phải làm sao để việc làm từ thiện ngày càng đi vào thực chất, ngày càng bớt hình thức, bớt chạy theo việc đánh bóng tên tuổi, ngày càng trung thực hơn”.

3 nguyên tắc cơ bản
Trước hết phải khẳng định không chỉ các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân mới có quyền quyên góp từ thiện, mà để cả cá nhân, những người có tên tuổi, uy tín trong xã hội cũng có quyền đó. Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính nhanh chóng sửa đổi Nghị định 64/2008 về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn theo hướng này.

Nhưng theo quy định về cứu trợ quốc tế, có 3 nguyên tắc cơ bản mà những người tham gia cứu trợ và hoạt động từ thiện, nhân đạo cần phải tuân thủ.

Nguyên tắc thứ nhất, không phân biệt đối xử giữa những người ở những vùng xảy ra thảm họa. Nghĩa là trong một phạm vi nhất định không thể nhất bên khinh, nhất bên trọng tạo nên sự bất bình đẳng tại địa phương.
 Chuyển hàng từ thiện của Báo Kinh tế & Đô thị và các nhà hảo tâm đến với bà con miền Trung chịu thiệt hại do bão lụt. Ảnh: Ngọc Tú
Giá trị của số tiền hay hiện vật cứu trợ, từ thiện phụ thuộc vào khả năng của các cá nhân, tổ chức tham gia. Tùy theo cách tính toán và thông tin có được, các cá nhân, tập thể tham gia làm công tác từ thiện sẽ lên kế hoạch phân phối cụ thể cho từng đối tượng, từng địa bàn dân cư. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, trong cùng một địa phương, cùng đối tượng, cùng thời điểm làm công tác phân phối phải tạo ra một sự công bằng tương đối mới tạo ra sự đồng thuận cao trong nhân dân. Có những đoàn từ thiện đi qua, người dân địa phương chua chát: “Thu đi để lại lá vàng/Đoàn đi để lại xóm làng đánh nhau”.

Thứ hai, không tạo thếm áp lực cho những người tại đó, kể cả nạn nhân, kể cả chính quyền và các lực lượng khác. Một tâm lý chung là các cá nhân, tổ chức làm công tác từ thiện đều muốn đến tận nơi thăm hỏi, chia sẻ, tặng quà đồng bào gặp thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Về lý thuyết, đó là yêu cầu hoàn toàn chính đáng của những người làm thực hiện công tác nhân đạo từ thiện. Nhưng nếu không có sự điều phối hợp lý sẽ vô hình trung làm tăng khối lượng công việc của bộ máy chính quyền địa phương. Bản thân những người đi nhận quà tặng cũng thấy mất hết ý nghĩa nếu bị lôi đi quay phim, chụp ảnh hết chỗ này sang chỗ khác. Có khi bà con phải chờ, đợi hàng giờ đồng hồ để được nhận những quà tặng có rất ít giá trị sử dụng.

Ngay trong đợt mưa lụt vừa qua tại miền Trung, bản thân gia đình các gia đình cán bộ địa phương cũng bị thiệt hại. Nhưng vì phải đưa các đoàn cứu trợ đến tận hộ dân trong vùng ngập lụt, họ đành phải gác việc gia đình để tham gia cùng các đoàn công tác. Không ít trường hợp bị lật xuồng, uy hiếp đến tính mạng của chính những người đi tham gia cứu trợ. Không nên tạo áp lực quá sức đối với cán bộ địa phương mà cần phải tính đến việc xây dựng “bản đồ vùng lũ” cập nhật thiệt hại, tình hình cứu trợ, nhu cầu cần thiết hiện tại của người dân để đầu mối điều phối giảm bớt sức người không cần thiết.

Thứ ba, giúp những gì họ cần, thay vì mình giúp những gì mình có. Hiện nay, việc thông tin liên lạc giữa những địa phương bị thiên tại, địch họa, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng với cộng đồng đã được cải thiện rất nhiều. Nhưng tình trạng các đoàn cứu trợ, nhân đạo từ thiện đưa rất nhiều hàng hóa hiện vật không phù hợp với tình hình thực tế vẫn đang thường xuyên xảy ra. Nên mới xảy ra có vùng ở Quảng Trị, mỗi gia đình được nhận 20 - 30 thùng mì tôm, nhiều bì tải váy áo cũ không phù hợp với người dân vùng miền núi, nông thôn.

Thực chất hơn

Bản chất của hoạt động từ thiện là hành vi nhân đạo vốn được tôn vinh, khích lệ ở hầu hết các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Với người Việt chúng ta thì đó là biểu hiện văn hóa rất cao của con người, đã trở thành truyền thống, đi vào ca dao, tục ngữ: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Lá lành đùm lá rách”... nhưng khi thời đại thông tin bùng nổ, gần đây nó đã trở thành một kênh đánh bóng tên tuổi, thương hiệu cá nhân.

Kiểu đánh bóng tên tuổi mà chúng ta thường hay bắt gặp nhất chính là sự xuất hiện của vài ông (bà) chủ trong các cuộc đấu giá vì mục đích từ thiện, nhất là những cuộc đấu giá có truyền hình trực tiếp. Các ông chủ, bà chủ ăn mặc hàng hiệu, dõng dạc hô to mua ủng hộ những món đồ đấu giá hàng trăm triệu, thậm chí bạc tỷ. Khi tắt sóng truyền hình cũng là lúc họ lặn không sủi bọt dù ban tổ chức đã gọi hàng chục cuộc điện thoại. Lòng tin thì vốn không bị ký quỹ, nhất là trong các cuộc đấu giá từ thiện. Nên không ai bắt buộc các “khổ chủ” phải tham dự, nếu không có tấm lòng nhân ái.

Kiểu “đóng phim” từ thiện cũng đang có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều. Không ít chuyến từ thiện mà chi phí ăn uống, khách sạn dọc đường còn cao gấp mấy lần giá trị tiền, hàng hóa từ thiện. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất đó chính là những tấm ảnh được chụp dưới nhiều góc độ khác nhau. Những nụ cười toe toét, cảnh khoe hàng hiệu, đồ trang sức đắt tiền bên cạnh những khuôn mặt đầy đau thương, mất mát của người già, trẻ em. Trong tấm hình người ta sẽ bắt gặp những thương hiệu, tên công ty, tổ chức… khá vô cảm và chả ăn nhập với khung cảnh bởi chủ nhân của nó thực chất là đi đóng phim dạo hoặc du lịch trá hình.

Kiểu giải quyết “hàng tồn kho” cũng đang khá nhiều công ty thực hiện, nhiều nhất vẫn là các mặt hàng như mì tôm, bánh kẹo, sữa quá đát hoặc quần áo rách nát phát cho đồng bào gặp khó khăn. Tất nhiên sau đó trong các bản báo cáo sẽ công bố bản thân (hoặc công ty) đã đóng góp cả chục, cả trăm triệu đồng vì mục đích thiện nguyện. Với những kiểu từ thiện “trá hình” như thế, chính họ đang làm hại thương hiệu của chính mình.

Kiểu “tán lộc” đang được những người “trúng số” hoặc có phi vụ làm ăn may mắn nào đó kiếm được bạc tỷ. Họ tự bỏ ra những món tiền lớn xây đình, xây miếu theo ý thích cá nhân rất lãng phí, bất chấp nguyện vọng của nhân dân tại khu vực ấy công đồng đang cần xây cầu, sửa đường, dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh...

Đây là 4 loại làm từ thiện không nên có nhưng vẫn đang xảy ra thường ngày mà chúng ta có thể bất gặp ở bất kỳ nơi nào đó tại các phường, xã quanh nơi mình sinh sống hay qua các mạng xã hội. Nếu cộng đồng cùng có tiếng nói chung sẽ hạn chế được rất nhiều các hoạt động từ thiện trá hình như thế, góp phần cho công tác này trở nên thiết thực, hiệu quả hơn, giúp cho cuộc sống của đồng bào bớt đi khó khăn.

(Còn nữa)

Với một quốc gia như Việt Nam, năm nào cũng có những địa phương xảy ra thiên tai, mỗi lần như thế người dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài đều mong muốn được bằng nhiều hình thức khác nhau để trợ giúp đồng bào mong chóng ổn định cuộc sống. Đó cũng là nhu cầu chính đáng, nhưng làm thế nào để nó đạt hiệu quả cao nhất là cả một vấn đề lớn. 


Điều đọng lại sau chuyến đi từ thiện

"Đó là việc tôi được thêm nhiều người bạn đáng quý. Đó là những bạn trẻ đầy nhiệt huyết, hăng say góp công, góp quà trong suốt chuyến đi; một anh Chủ tịch Tập đoàn gồm 12 công ty thành viên nhưng vô cùng giản dị, hòa đồng, vui vẻ; các anh chị trong Báo Kinh tế & Đô thị không nề hà việc gì, bất kể ngày hay đêm, đến nơi là xắn tay cùng cả đoàn, lưng đẫm mồ hôi... Tôi cũng được học nhiều kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp...; được biết giới hạn bản thân khi có thể khuân vác, đóng hàng trăm gói đồ gần chục cân liên tục, thậm chí cả trong thùng xe tải. Cảm ơn chuyến đi đã cho mình thật nhiều." - Phó Giám đốc Công ty CP Việt Chào Nguyễn Thị Kim Oanh

Thế nào là văn hóa từ thiện?

"Với những vị trí, trình độ khác nhau sẽ đưa ra nhiều khái niệm khác nhau. Là nhà toán học, tôi hiểu nôm na: “Đó là, hãy làm công việc từ thiện một cách văn hóa”. Người ta thấy khá nhiều hình ảnh trên báo chí, truyền hình và mạng xã hội khuôn mặt của các cụ già, trẻ em khá mệt mỏi đề chờ ai đó trao cho một thùng mì tôm.

Không ít trường hợp để có một tấm ảnh, một đoạn clip người trong cuộc còn phải diễn đi, diễn lại vài lần khi dầm nước. Hình như người đi từ thiện đó đang cần có tấm ảnh để minh chứng cho mình đã có mặt ở đây hơn là quan sát xem cảm xúc của người dân khi nhận quà. Chắc họ không kịp suy nghĩ xem, bà con còn thiếu những cái gì, mình còn có thể giúp bà con thêm vấn đề gì nữa không?

Có khá nhiều người đặt cho tôi một câu hỏi rất hay: “Đó là làm từ thiện có cần quảng bá không?”. Câu trả lời của tôi là có, nhưng nó cần được thực hiện một cách tinh tế với sự trung thực, tự nguyện..., tuyệt đối tránh dàn dựng. Bạn hãy luôn luôn tâm niệm một điều, truyền thông, quảng bá chính là để kêu gọi, cổ vũ những người khác tiếp tục tham gia làm từ thiện, cũng là một cách "tích thiện" cho bản thân và xã hội, chứ không phải để đánh bóng bản thân mình." - TS Trần Anh Nghĩa, Đại học Vinh (Đông Hùng ghi)